Công tác phòng cháy chữa cháy: Phát huy vai trò chủ động của người dân
Những năm gần đây, Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày càng đi vào cuộc sống, nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành và đông đảo quần chúng nhân dân ngày càng nâng cao, phát huy vai trò tích cực trong việc phòng ngừa và chủ động chữa cháy.
Lực lượng bảo vệ dân phố phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện tốt công tác PCCC.
Vai trò chủ động, tự giác của người dân
Đại tá Phạm Đình Trung, Phó giám đốc CA tỉnh cho biết: “Trong công tác PCCC, nhân dân đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi có cháy, người dân phát hiện đầu tiên, cũng là người tham gia báo cháy cho lực lượng chữa cháy và tham gia cứu chữa ngay khi mới xảy ra. Đặc biệt người dân với ý thức trách nhiệm cao cũng tích cực phản ánh những mặt trái của xã hội về an toàn phòng cháy giúp lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời, ngăn ngừa cháy nổ xảy ra. Những năm qua, trên 50% các vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh được nhân dân dập tắt ngay từ đầu, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Trong 9 tháng vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 90 vụ cháy, trong đó nhân dân tham gia cứu chữa ban đầu trên 60 vụ, nhờ đó không có người chết, người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm sâu so với những năm trước đó. Trong khối cơ quan, DN, nhiều cán bộ, nhân viên đã phát hiện và tham gia chữa cháy ban đầu rất hiệu quả”.
Với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng, công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cháy nổ vẫn còn diễn biến phức tạp bởi vẫn còn một bộ phận người đứng đầu các cơ quan, DN, hộ gia đình và người dân có tâm lý chủ quan với mối họa “giặc lửa”. Từ đầu năm 2018 đến nay, địa bàn tỉnh xảy ra 99 vụ cháy, nổ, tai nạn lao động, thiệt hại hơn 15 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ cháy tăng đến 68 vụ; tuy nhiên thiệt hại tài sản giảm đáng kể, một phần nhờ sự phát hiện, cứu chữa kịp thời từ ban đầu của người dân. Các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở khu vực dân cư; hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và một số ít DN. 70% số vụ cháy là do hệ thống thiết bị điện không đảm bảo an toàn, xuống cấp, quá tải. Việc sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt trong sinh hoạt hàng ngày không an toàn, bất cẩn. Đặc biệt, các vụ cháy thường xảy ra ở những nhà dân nằm sâu trong hẻm, trong điều kiện còn tạm bợ, chắp vá gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chữa cháy chính quy trong việc triển khai phương tiện chữa cháy chuyên dụng.
Nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng
Từ thực tế đó, việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng ngừa cháy nổ đã được lãnh đạo các cấp quan tâm bằng nhiều cách thức, thông qua công tác tuyên truyền, các buổi diễn tập, hội thi PCCC cơ sở, lồng ghép trong phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong đó, mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC” được lực lượng cảnh sát PCCC chú trọng và hiện đã triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh. Theo mô hình, lực lượng bảo vệ dân phố, CA viên, dân quân tự vệ đóng vai trò nòng cốt trong công tác PCCC. Từ khi triển khai mô hình tại khu dân cư, ý thức về PCCC của bà con nhân dân đã có sự chuyển biến rõ nét. Tại khu vực 4, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), nơi triển khai mô hình PCCC khu dân cư đầu tiên trên địa bàn tỉnh, việc giao ban, đánh giá tình hình triển khai mô hình được tiến hành hàng tuần, hàng tháng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC cho mọi người dân trong khu phố.
Theo đại tá Phạm Đình Trung, không ai muốn cháy nổ xảy ra, song thực tế cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Dù lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã được quan tâm trang bị nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại, tuy nhiên, chừng đó chưa đủ mà cần ý thức tự giác tham gia PCCC của cả cộng đồng. Do vậy, để nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân PCCC, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia, xây dựng phong trào toàn dân PCCC bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, kiềm chế các vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
MINH NGỌC