Hoạt động khuyến nông - khuyến ngư năm 2013:
Góp phần tăng hiệu quả sản xuất
Với vai trò cầu nối chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) và công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) đến nông dân trong tỉnh, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc khảo nghiệm, xây dựng, chuyển giao các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi mùa vụ, cây trồng hợp lý, giúp nông dân nâng cao năng suất, tăng thu nhập.
Xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao
Từ thực tế nhiều nông dân trong tỉnh vẫn còn tập quán sản xuất manh mún, áp dụng các quy trình sản xuất không đồng bộ nên hiệu quả sản xuất không cao, Trung tâm KN-KN đã tăng cường xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giúp nông dân nắm bắt được tiến bộ KHKT mới để áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh xây dựng 7 mô hình, điểm trình diễn trồng trọt, 3 mô hình chăn nuôi, 4 mô hình nuôi trồng thủy sản, 1 mô hình khuyến diêm đạt kết quả khả quan, tạo điều kiện cho hàng ngàn nông dân học tập kinh nghiệm, nhân rộng mô hình.
Ông Lê Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN, cho biết: Các mô hình KN-KN trong năm 2013 được thực hiện tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: thâm canh cây lúa nước ở vùng cao; khảo nghiệm các giống lúa triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh; xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) kết hợp đưa phương tiện cơ giới vào thu hoạch; chuyển đổi từ 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ lúa/năm; trồng bắp non làm thức ăn gia súc; sản xuất lúa lai ở vùng khó khăn lương thực; chăn nuôi gà an toàn sinh học; nuôi vỗ béo bò; nuôi cá vược trong ao tôm suy thoái… Qua đánh giá tổng kết, hầu hết các mô hình đều triển khai đúng tiến độ, đạt năng suất, hiệu quả cao.
Đáng chú ý là mô hình sử dụng thuốc sinh học Biorat diệt chuột ở vụ Đông Xuân (ĐX) với quy mô 2.500 ha tại 8 huyện - thị xã, tổng lượng thuốc đã cấp hỗ trợ cho các địa phương là 7,5 tấn. Kết quả giảm mạnh thiệt hại do chuột gây ra; ở diện tích được đặt thuốc, tỉ lệ chuột phá chỉ từ 1-2%, trong khi diện tích lúa không được đặt thuốc thiệt hại hơn 5 - 10%.
Các mô hình thâm canh lúa nước vùng cao tại xã Canh Liên (Vân Canh), Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) và An Toàn (An Lão) bằng các giống lúa lai PAC 807, TH 3-3, BTE 1 đều đạt kết quả tốt, năng suất bình quân 61-65 tạ/ha, tăng từ 2-3 lần so với năng suất lúa tại địa phương; góp phần giúp bà con các dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện miền núi phát triển sản xuất có hiệu quả.
Trung tâm đã tổ chức khảo nghiệm thành công nhiều giống lúa mới có tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu tại địa phương để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, gồm các giống: OM 8923, OM 8931, DH 815-6, OM 5953, năng suất bình quân 75 - 80 tạ/ha, đưa vào gieo sạ trong vụ ĐX 2013-2014.
Trung tâm KN-KN và lực lượng KN cơ sở cũng đã đóng vai trò quan trọng, góp phần vào thành công của chương trình xây dựng CĐML. Trung tâm đã chuyển giao 1 máy gặt đập liên hợp (dự án cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa) cho nông dân huyện Hoài Ân; 12 máy làm đất đa năng phục vụ làm đất trồng mía (dự án cơ giới hóa sản xuất mía) cho nông dân các xã Tây Phú, Tây Thuận, Bình Thuận (Tây Sơn), giúp nông dân đẩy nhanh cơ giới hóa trong SXNN.
Chú trọng chuyển giao KHKT
Từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình (CT), dự án, trong năm 2013, Trung tâm KN-KN tỉnh đã đầu tư gần 2,5 tỉ đồng để xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản… trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nguồn kinh phí từ các CT, dự án KN-KN của tỉnh đầu tư 2,3 tỉ đồng, CT KN-KN Trung ương hỗ trợ 141 triệu đồng xây dựng 16 mô hình KN-KN tại các địa phương”.
Bên cạnh xây dựng các mô hình điểm để nông dân học tập kinh nghiệm, công tác thông tin - huấn luyện, chuyển giao tiến bộ KHKT cũng được Trung tâm chú trọng. Trong năm 2013 này, Trung tâm KN-KN đã tập trung tuyên truyền có hiệu quả các giải pháp SXNN, lịch thời vụ gieo sạ, cơ cấu giống theo chỉ đạo của Sở NN-PTNT; các biện pháp diệt chuột, phòng trừ dịch bệnh bảo vệ cây trồng vật nuôi; tổ chức nhiều buổi tọa đàm, tập huấn, hội thảo chuyên đề hướng dẫn nông dân các giải pháp sản xuất và xây dựng CĐML có hiệu quả, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng, đa dạng các mô hình KN-KN. Trung tâm đã ưu tiên xây dựng các mô hình, điểm trình diễn tại các xã miền núi, vùng cao, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nắm bắt được các kỹ thuật sản xuất mới để phát triển sản xuất, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng.
Ông Lê Văn Sang cho biết thêm: “UBND tỉnh vừa phê duyệt danh mục các mô hình khuyến nông- lâm - ngư năm 2014. Theo đó, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương trong tỉnh tiếp tục xây dựng 29 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân. Các mô hình KN-KN được chú trọng là xây dựng mô hình thâm canh cây lúa nước ở các huyện miền núi, nhân giống lúa mới, nuôi heo trên nền đệm lót sinh học, nuôi chình trong ao đất, nuôi hàu, nuôi cá đối mục trong ao tôm suy thoái, trồng nấm rơm, trồng rau an toàn… với tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng”.
Để công tác KN-KN mang lại hiệu quả tích cực, bền vững, Trung tâm KN-KN sẽ tham mưu ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức quy hoạch, tái cơ cấu SXNN, tập trung xây dựng CĐML đạt hiệu quả. Trung tâm sẽ thắt chặt mối liên kết cùng có lợi giữa “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp), tăng cường dự báo thị trường, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống…
NGUYỄN HÂN