Công tác giảm mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 ở Phù Cát:
Địa phương chủ động vào cuộc
5 năm trước, huyện Phù Cát gần như “đội sổ” về mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Ðến nay, cũng địa phương này lại là điểm sáng kéo giảm mức sinh, tỉ lệ sinh con thứ 3 và triển khai thành công nhiều chương trình, đề án chú trọng nâng cao chất lượng dân số (DS).
Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước có 10.736 trẻ sinh ra, giảm 2.166 trẻ (tương ứng giảm 16,8%) so với cùng kỳ năm 2012. Trong 11 huyện, thị xã, thành phố đều có số trẻ sinh giảm, Phù Cát nằm ở tốp 3 địa phương có số trẻ sinh giảm nhiều với 20,3%, An Nhơn giảm 28%, Hoài Nhơn giảm 21,6%.
Thay đổi nhận thức
Cát Khánh là xã ven biển, DS trên 15.000 người, trong đó phụ nữ 15-49 tuổi có gia đình hơn 2.330 người. Cuối năm 2009, Cát Khánh là một trong 6 xã của tỉnh được chọn triển khai đề án 52 - “Kiểm soát DS vùng biển, đảo và ven biển”.
Đến nay, phụ nữ vùng biển Cát Khánh đã được tiếp cận với các thông tin, kỹ năng về làm mẹ an toàn; 100% phụ nữ mang thai đến trạm y tế để khám thai định kỳ, nghe tư vấn về dinh dưỡng và tiêm vắc xin phòng ngừa uốn ván. Nhiều chị em còn chủ động “rủ nhau” tham gia họp nhóm để trao đổi và chia sẻ thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), an toàn cho mẹ và con. Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần xóa đi tập quán sinh con tại nhà của phụ nữ, giảm tỉ lệ tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
Trong 4 năm qua, ngành Y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương và Đồn Biên phòng Đề Gi để đưa kiến thức về DS, SKSS đến “tận nhà, lên tới ghe, vào tới bến”. Chuyên trách DS-KHHGĐ xã Cát Khánh Nguyễn Thị Huyền Ngân cho biết: “Chúng tôi phải đến tận cầu cảng, hoặc lên thuyền để vận động, cung cấp tờ rơi, cấp phát các phương tiện tránh thai cho ngư dân trong những chuyến ra khơi. Có chịu khó đi sâu, đi sát như vậy thì mới có hiệu quả. Nhờ vậy, tỉ lệ sinh con thứ 3 hiện nay của Cát Khánh đã giảm nhiều, còn 26,8%, tình trạng sinh con thứ 2 cũng giảm đáng kể, người dân sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày một tăng. Không chỉ thể hiện bằng con số, đó là những tín hiệu đáng mừng để chúng tôi giảm quy mô, tập trung nâng cao chất lượng DS”.
Anh N.T.V, một người dân ở địa phương, hiểu ra một trong những nguyên nhân gây gia tăng DS ở vùng biển đó là do tư tưởng muốn có con trai nối dõi tông đường, đông con hơn nhiều của và cần nguồn nhân lực để đi biển... “Tôi cũng là người sinh ra ở vùng biển và trong gia đình đông con nên sớm bỏ học, đi làm biển kiếm tiền. Vợ chồng tôi thống nhất sau này chỉ sinh hai con để xây dựng hạnh phúc gia đình, chăm lo cho các con”, anh V. chia sẻ.
Chủ động vào cuộc
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Phạm Ngọc Trình nhấn mạnh, ngành DS đã làm rất tốt công tác tham mưu. Kết quả thực hiện từ năm 2008 đến nay, tất cả các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ đều đảm bảo. Trong chuyến làm việc tại huyện Phù Cát, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Hồ Chí Hùng cho rằng Phù Cát đã thực hiện thành công công tác giảm sinh. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cần tham mưu cho huyện mức giảm sinh phù hợp, đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng DS, thích ứng với sự chuyển đổi cơ cấu DS.
Năm 2012, huyện Phù Cát giao chỉ tiêu cho công tác DS phải đạt mức giảm sinh 0,25%o và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 1%. Kết quả thực hiện cuối năm, mức giảm sinh của Phù Cát là 0,34%o và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng 0,35%. Dù vậy, đánh giá trên bình diện chung, Phù Cát vẫn tiếp tục “đà” giảm về mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 - vốn không dễ thực hiện cùng lúc.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang cho rằng, vài năm trước, huyện Phù Cát là một điểm nóng về mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Đến nay, Phù Cát là một trong số ít địa phương đồng loạt giảm cả hai chỉ tiêu này. Trong 9 tháng đầu năm nay, Phù Cát tiếp tục là một trong số ít địa phương giảm nhiều cùng lúc cả 2 chỉ tiêu này, với số trẻ sinh năm 2013 giảm 20,3% và tỉ lệ con thứ 3 trở lên giảm 2,71% so với cùng kỳ năm trước.
Phù Cát cũng là một trong những địa phương được hỗ trợ triển khai tất cả các dự án, đề án về DS-KHHGĐ. Điều đáng ghi nhận là sự vào cuộc tích cực và chủ động của địa phương. “Phù Cát chỉ có 4 xã ở vùng khó khăn, xã đông dân được hỗ trợ thực hiện chiến dịch tuyên truyền lồng ghép và truyền thông về DS, SKSS. Để đưa các dịch vụ này đến với người dân, chiến dịch vẫn được triển khai đều 2 lần/năm ở tất cả các xã, thị trấn với sự hỗ trợ về kinh phí và nhân lực từ địa phương”, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lê Thị Phương cho biết.
Từ nhiều năm nay, UBND thị trấn Ngô Mây vẫn hỗ trợ 1,5-2 triệu đồng và chỉ đạo các ngành, đoàn thể cùng phối hợp Trạm Y tế tổ chức chiến dịch chăm sóc SKSS và các dự án, đề án về DS. Hội LHPN thị trấn còn phối hợp tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 và câu lạc bộ sức khỏe tiền hôn nhân; đến nay mô hình này đã được triển khai ở 10 chi hội khu vực và thôn. Trưởng trạm y tế thị trấn Ngô Mây Tô Thị Thu Nguyệt cho biết: “Chỉ tiêu hằng năm của UBND thị trấn đều có hoạt động DS-KHHGĐ, vì thế công tác phối hợp nhịp nhàng, huy động nguồn lực cũng khá dễ dàng. Thể hiện rõ nhất là trong các đợt chiến dịch, từ tổ chức, tuyên truyền, vận động chị em đi khám đều có sự tham gia hiệu quả của các hội, đoàn thể”.
VĂN NGỌC HÀ