Dị tật thắng lưỡi bám thấp ở trẻ em: Cần phát hiện, điều trị sớm
Những năm gần đây, bệnh dính thắng lưỡi hay còn gọi là thắng lưỡi bám thấp là dị tật bẩm sinh rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, dị tật này khiến sự phát triển toàn diện của trẻ bị ảnh hưởng trầm trọng.
Thắng lưỡi là một nếp niêm mạc nối từ mặt dưới của lưỡi đến sàn miệng và xương hàm dưới. Dây thắng lưỡi ngắn hoặc có vị trí bất thường sẽ làm hạn chế hoạt động của đầu lưỡi. Dị tật này khiến trẻ nuốt khó khăn và hoạt động phát âm không hoàn thiện. Đối với trẻ sơ sinh, thắng lưỡi bám thấp cản trở vận động lưỡi, khiến trẻ bú khó, nuốt rất khó. Ở trẻ vào độ tuổi tập nói, dị tật này khiến trẻ chậm nói, nói ngọng và phát âm sai một số từ. Ngoài ra, thắng lưỡi bám thấp còn có thể gây một số bất thường trong quá trình mọc răng hàm dưới và sự phát triển của xương hàm. Nếu không được phát hiện điều trị kịp thời, dị tật này ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Các bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt (BVĐK tỉnh) và Khoa Liên chuyên khoa (BVĐK tỉnh - phần mở rộng) phối hợp thực hiện một ca phẫu thuật dị tật bẩm sinh thắng lưỡi bám thấp.
Tình cờ qua một đợt khám tầm soát, các bác sĩ phát hiện bé Nguyễn Vũ An (gần 7 tháng tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) mắc dị tật bẩm sinh thắng lưỡi bám thấp. Bé An đã được đưa đến BVĐK tỉnh (phần mở rộng) để phẫu thuật, điều trị.
Chị Nguyễn Thị Huy Mẫn - mẹ của bé An tiếc nuối: “Tôi không biết gì về dạng dị tật này, cũng không để ý sự bất thường ấy ở con mình. Bởi khi mới chào đời, bé bú cũng ổn. Đến thời kỳ mọc răng, răng hàm dưới của bé có một cái mọc xéo so với bình thường. Khi ấy tôi mới biết con mình bị dị tật dính thắng lưỡi bẩm sinh. Nếu sớm biết về dị tật này, tôi đã đưa cháu đi khám điều trị sớm hơn rồi!”.
Bác sĩ Nguyễn Lê Nguyên, Khoa Liên chuyên khoa (BVĐK tỉnh, phần mở rộng) chia sẻ: “Chỉ tính trong khung thời gian hơn 5 tháng sau khi Bệnh viện đi vào hoạt động, chúng tôi đã khám, phát hiện và phẫu thuật xử lý 10 ca trẻ em mắc dị tật thắng lưỡi bám thấp. Tần suất này cho thấy bệnh này cũng khá phổ biến. Toàn bộ những ca bệnh này, chúng tôi đều phẫu thuật, đây là phương pháp điều trị đạt hiệu quả cao nhất. Trung bình một ca phẫu thuật dị tật thắng lưỡi chỉ mất từ 15 đến 30 phút thôi!”.
Thống kê của BVĐK tỉnh cho biết, năm 2017, Khoa Răng Hàm Mặt của bệnh viện đã tiếp nhận khám, điều trị phẫu thuật 23 ca trẻ em mắc dị tật thắng lưỡi bám thấp. Năm 2018, từ đầu năm đến nay, Khoa Răng Hàm Mặt của bệnh viện cũng đã tiếp nhận điều trị phẫu thuật 12 ca trẻ em mắc dị tật thắng lưỡi bám thấp. Bác sĩ Trần Quý Đệ - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt (BVĐK tỉnh) chia sẻ: “Nếu trẻ được phát hiện sớm và điều trị sớm ở giai đoạn từ 3 đến 6 tháng tuổi, trẻ có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, với những trẻ phát hiện trễ, chậm điều trị thì dù được phẫu thuật, do việc nói ngọng đã thành thói quen, bệnh nhi phải mất rất nhiều thời gian luyện tập âm ngữ trị liệu. Hiện nay, phẫu thuật điều trị dị tật thắng lưỡi bám thấp được thực hiện thường quy tại Khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK tỉnh”.
Các bậc phụ huynh lưu ý, khi con mình có một trong những biểu hiện sau thì nên nghĩ đến bệnh lý thắng lưỡi bám thấp:
+ Ðầu lưỡi không thể đưa ra chạm môi hoặc quá môi, hoặc không thể chạm tới vòm khẩu cái.
+ Trẻ gặp khó khăn trong việc bú sữa mẹ, khó nuốt.
+ Khi trẻ khóc, đầu lưỡi có dạng trái tim do cử động bị giới hạn.
+ Trẻ chậm nói, nói ngọng, phát âm sai một số từ.
+ Răng cửa dưới của trẻ lệch lạc, hoặc có khe hở giữa các răng cửa dưới (hiếm gặp).
Bác sĩ TRẦN QUÝ ĐỆ Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK tỉnh
LÊ DUYÊN