Ứng xử văn minh để giảm bạo lực học đường
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Trong đó, đề cập cụ thể đến sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử.
Đề án phấn đấu trong giai đoạn 2018 - 2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ GDĐT ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường. Tuy nhiên đến thời điểm này, Bộ GDĐT vẫn chưa chính thức ban hành khung Quy tắc ứng xử trong trường học.
Đề án chia làm 2 giai đoạn, từ 2018 – 2020 và 2021-2025. Trong đó, giai đoạn 1 đề án đặt mục tiêu có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; có ít nhất 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường. Tới giai đoạn 2, các con số này được nâng lên thành 100% và 95%.
Theo kế hoạch, để đạt được các mục tiêu trên, Đề án sẽ triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử.
Trong đó, nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường hiệu quả. Xây dựng kế hoạch và tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử cho người học thông qua các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa…
Trách nhiệm của gia đình được nhấn mạnh là chịu trách nhiệm chính trong giáo dục văn hóa ứng xử, mẫu mực trong văn hóa ứng xử tại gia đình và cộng đồng. Phối hợp với nhà trường, tôn trọng và tạo điều kiện để học sinh tham gia đầy đủ hiệu quả, nghiêm túc kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường…
Bên cạnh đó, đề án cũng đề cập đến vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền phối hợp vận động các lực lượng trên địa bàn, tạo điều kiện để xây dựng văn hóa ứng xử cho người học tại cộng đồng, hỗ trợ người học gặp khó khăn, xử lý kịp thời các vi phạm, đảm bảo an toàn cho người học…
Trên thực tế, trong các trường học hiện nay đã có một số bộ quy tắc ứng xử nhưng chưa thực sự hiệu quả. Nhiều hành vi được thực hiện trong nhà trường không theo những bộ quy tắc ứng xử đó.
Bộ quy tắc ứng xử như Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ “đặt hàng” nhóm nghiên cứu là “Đừng quy định chung chung kiểu như học sinh phải ngoan ngoãn, lễ phép” mà nên quy định cụ thể để hướng dẫn dễ thực hiện, ví dụ như học sinh gặp thầy cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào hay giáo viên gặp học sinh phải niềm nở, vui vẻ… có như vậy thì mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và giám sát, đánh giá được. Song song với đó là yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải kiến thức, cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”.
Nhiều kỳ vọng cũng được đặt ra, về những ứng xử văn minh trong môi trường giáo dục, được thực hiện tốt sẽ giúp giảm tình trạng bạo lực học đường.
Theo Hàn Minh (daidoanket.vn)