Hệ lụy từ... “tín dụng đen”
Thời gian gần đây, trên địa bàn TX An Nhơn, hoạt động cho vay nặng lãi (còn gọi là “tín dụng đen”) xuất hiện khá phổ biến, “hấp dẫn” nhiều người bởi phương thức cho vay không cần thế chấp, cầm ngay “tiền tươi”. Ðể rồi có không ít người bị “tín dụng đen” đẩy đến cảnh khốn đốn, thậm chí khuynh gia bại sản, bỏ trốn khỏi địa phương.
Do vướng vào “tín dụng đen” mà gia đình ông Đỗ Ngọc Khanh phải bán nhà và đến tá túc ở một ngôi miễu, trồng rau nuôi cháu.
Núp bóng kinh doanh dịch vụ
Theo phản ánh của người dân phường Bình Định (TX An Nhơn), hoạt động cho vay nặng lãi thường nấp dưới vỏ bọc là kinh doanh dịch vụ, phổ biến là vận tải hành khách theo yêu cầu, hoặc cho thuê xe 4 chỗ, 7 chỗ. Thế nhưng khi người có nhu cầu đến thuê xe thì được những người làm dịch vụ trả lời là… không có xe!
Anh Võ Văn Lợi (ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định) kể lại: “Mới đây, tôi có nhu cầu thuê xe chở gia đình đi công việc, nhưng khi vào 1 cơ sở cho thuê xe hỏi thì được những thanh niên bặm trợn trả lời là không có xe cho thuê, trong khi trước nhà treo tấm biển ghi rõ ràng là “cho thuê xe ô tô 4 chỗ, 7 chỗ”. Qua tìm hiểu thì tôi được biết đây là một điểm chuyên cho vay nặng lãi”.
Khách hàng mà dịch vụ hoạt động “tín dụng đen” nhắm tới là những thanh niên lêu lổng hoặc những người có máu đề đóm, cờ bạc, cá độ bóng đá. Họ tìm cách tiếp cận những người thuộc nhóm đối tượng trên, sau vài cuộc nhậu hoặc cà phê, họ buông lời làm thân: “Anh thích em rồi đấy, sau này nếu em cần vay tiền cứ nói với anh. Chỉ cần cho anh thấy hình trong chứng minh nhân dân giống em và cho anh biết nhà em ở đâu để làm tin là được, không cần gì khác”. Với chiêu thức này không ít người đang cần tiền đã dễ dàng... “sập bẫy”!
Nhiều người lâm cảnh khốn cùng
Anh T. (ở đường Mai Xuân Thưởng, phường Bình Định), có đứa cháu là con nợ của “tín dụng đen”, kể: “Cháu tôi vay 300 triệu đồng trong đợt diễn ra World Cup 2018, trả mãi đến giờ vẫn còn nợ. Không riêng gì cháu tôi mà còn mấy trường hợp ở gần nhà cháu tôi cũng lâm cảnh tương tự, phải bán nhà trả nợ. Mỗi khi các đối tượng của dịch vụ này đến đòi nợ là làm ồn ào cả khu phố. Không đòi được tiền, họ dăm họa, tạt sơn hoặc ném vàng mã vào nhà con nợ”.
Trường hợp của gia đình ông Đỗ Ngọc Khanh (72 tuổi, ở tổ 5, khu vực Kim Châu, phường Bình Định) mới là thảm cảnh. Ông từng là chủ thầu xây dựng, ở trong căn nhà khang trang do ông bà để lại. Có duy nhất một đứa con trai, cưới được cô con dâu giỏi làm ăn, với cái nghề mổ và bán thịt heo, mỗi ngày vợ chồng con trai ông kiếm cả bạc triệu. Ông cứ ngỡ mình có 1 gia đình hạnh phúc, êm ấm, cho đến một ngày… Ông Khanh kể chuyện nhà mình bằng giọng nấc nghẹn: “Cuộc sống của gia đình tôi đang êm ấm thì bỗng dưng cán bộ ngân hàng đến nhà tuyên bố đến ngày 8.9.2018, nếu không thanh toán nợ quá hạn sẽ niêm phong căn nhà. Lúc đó tôi mới biết con dâu đã cầm sổ đỏ vay ngân hàng 1,2 tỉ đồng. Tưởng chỉ có nhiêu đó, đâu ngờ, con dâu còn lén vay nặng lãi bên ngoài 3 - 4 tỉ nữa. Hết ngân hàng, rồi đám “xã hội đen” đến đòi nợ. Tôi đành phải bán căn nhà được hơn 2 tỉ đồng, trả nợ cho ngân hàng 1,2 tỉ, số còn lại trả “tín dụng đen“ mà vẫn còn nợ lại số tiền khá lớn. Không còn nhà ở, hai vợ chồng già dắt díu nhau vào tá túc tại một ngôi miễu, trồng rau nuôi 4 đứa cháu do cha mẹ chúng bỏ lại. Mong mọi người nên tránh xa dịch vụ “tín dụng đen” để khỏi lâm vào cảnh khốn khổ như gia đình tôi”.
Bà Mai Thị Thanh, Bí thư Chi bộ khu vực Kim Châu (phường Bình Định), cho biết: “Thời gian gần đây, trên địa bàn xảy ra hàng chục vụ người dân vướng nợ “tín dụng đen”. Điều đáng lo ngại là không chỉ có thanh niên, đàn ông vay tiền để cờ bạc, mà nhiều phụ nữ cũng vay nợ số tiền lên đến nhiều tỉ đồng để chơi tiền ảo qua mạng, làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn, gây hoang mang trong dư luận”.
Thiếu tá Nguyễn Trung Hậu, Đội phó Đội điều tra tổng hợp CA TX An Nhơn, cho biết: “Hoạt động cho vay nặng lãi thường nấp dưới hình thức mở công ty hoặc làm dịch vụ. Khi có khách hàng, họ sẵn sàng bung tiền ra cho vay và lấy trước tiền lãi, nhưng trên giấy tờ thể hiện không phải là cho vay tiền, mà “lách” sang hình thức khác, ví dụ như mua nợ một món đồ gì đó có giá trị tương ứng với số tiền vay. Trên thực tế, chính quyền địa phương và ngành chức năng chỉ có thể kiểm soát hoạt động này về tính hợp pháp của thủ tục đăng ký kinh doanh, chứ xử lý hoạt động “cho vay ngầm” là rất khó, bởi các đối tượng hoạt động dịch vụ này rất giỏi lách luật”.
THANH MINH