Đa thanh sắc trong Liên hoan múa rối quốc tế 2018
Với sự tham dự của các đoàn diễn đến từ 7 quốc gia, vùng lãnh thổ và chủ nhà Việt Nam, Liên hoan múa rối quốc tế 2018 đã khai mạc tối 8.10, hứa hẹn mang lại những vở diễn đa thanh sắc từ rối nước, rối que, rối tay đến rối đen, rối bóng, rối mặt nạ...
Tiết mục múa rối trong lễ khai mạc. Ảnh: toquoc.vn
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải cho biết, Liên hoan múa rối quốc tế 2018 là hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa, được tổ chức định kỳ nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Liên hoan không chỉ là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa đa dạng của các dân tộc, quốc gia trên thế giới mà còn là dịp để các nghệ sĩ múa rối trong và ngoài nước thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật.
Tham dự liên hoan năm nay có 11 đơn vị nghệ thuật trong nước và quốc tế tham gia tranh tài. Trong đó, 7 đơn vị quốc tế đến từ: Campuchia, Lào, Philippines, Thái Lan, vùng Wallonie Bruxelles (Bỉ), Pháp, Brazil; và 4 đơn vị nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp của nước chủ nhà Việt Nam: Nhà hát múa rối Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long - Hà Nội, Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng, Đoàn nghệ thuật múa rối TPHCM.
Yêu cầu đặt ra là chương trình của các đoàn quốc tế phải đạt chất lượng nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa của từng quốc gia và có số lượng nghệ sỹ mỗi đoàn không quá 6 người. Đối với các đơn vị nghệ thuật trong nước, chương trình dự Liên hoan phải là những chương trình có chất lượng nghệ thuật, chưa tham dự các Liên hoan nghệ thuật quốc tế trước đây tại Việt Nam. Mỗi đoàn tham dự chương trình giới hạn từ 30 – 40 phút/chương trình.
Liên hoan sẽ kéo dài đến ngày 15.10 với các suất diễn miễn phí tại 4 điểm: Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ; Nhà hát múa rối Việt Nam; Nhà hát múa rối Thăng Long; Nhà thi đấu thể thao khu văn công Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Ngoài các đêm thi tại Hà Nội, Ban tổ chức sẽ chọn một số tiết mục, chương trình đặc sắc của các nước tham dự để biểu diễn phục vụ nhân dân tại Vĩnh Phúc, Ninh Bình nhằm tạo sự lan tỏa trong công chúng. Qua đó, Ban tổ chức thiết lập môi trường giao lưu văn hóa, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nghệ thuật trong nước, quốc tế; tổ chức tọa đàm (workshop) để các nghệ sỹ Việt Nam, quốc tế giới thiệu những nét đặc sắc trong nghệ thuật rối, giao lưu văn hóa bản địa.
Đây còn là cơ hội để các nhà quản lý nghệ thuật, các nghệ sĩ múa rối Việt Nam có điều kiện giao lưu, học hỏi những tinh hoa nghệ thuật múa rối nhân loại, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật. Từ đó, có những đổi mới về phương pháp tổ chức, quản lý, sáng tạo những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Ban Tổ chức sẽ trao tặng giải Vàng, Bạc cho các tiết mục, chương trình (không kèm theo tiền thưởng) gắn với đơn vị, nghệ sỹ biểu diễn đạt chất lượng chuyên môn cao theo kết quả đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật được tính theo khung điểm từ cao xuống thấp. Ngoài ra, Ban Tổ chức sẽ trao tặng một số giải phụ cho nghệ sỹ, nhóm nghệ sỹ có nhiều tìm tòi, sáng tạo độc đáo, đặc sắc theo đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật.
Theo MK (Chinhphu.vn)