Ðăng ký xây dựng tuyến đường văn minh đô thị ở TP Quy Nhơn: Thực hiện chưa hiệu quả
Theo UBND TP Quy Nhơn, sau nhiều năm các phường, xã đăng ký và triển khai thực hiện xây dựng 50 tuyến đường đạt chuẩn văn minh đô thị, nhưng đến nay vẫn chưa có tuyến đường nào đạt được các tiêu chí đề ra.
Theo kết quả kiểm tra, đánh giá của UBND TP Quy Nhơn, trên 50 tuyến đường đăng ký xây dựng đường văn minh đô thị xanh-sạch-đẹp thì đến nay chỉ có 14/50 tuyến đường đạt loại khá; 36/50 tuyến đạt loại trung bình, không có tuyến nào đạt loại tốt.
Chưa đạt tiêu chí
Ông Nguyễn Hoài Nam, cán bộ hưu trí ở phường Lê Lợi, bức xúc nói: “Một số tuyến đường trên địa bàn phường được phường đăng ký xây dựng tuyến đường văn minh đô thị nhưng người dân lấn hết cả vỉa hè, thậm chí còn lấn xuống lòng đường mua bán, kinh doanh vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa mất ATGT. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên phường nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để”.
Đường Tăng Bạt Hổ (phường Lê Lợi) được chọn xây dựng tuyến đường văn minh đô thị nhưng tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, mua bán diễn ra thường xuyên.
Theo ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch UBND phường Lê Lợi, trước đây phường đăng ký xây dựng 4 tuyến đường văn minh đô thị, gồm: Lê Thánh Tôn, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Tăng Bạt Hổ, nhưng chỉ có tuyến Lê Thánh Tôn là đạt loại khá còn lại đều không đạt. Nguyên nhân là do các hộ kinh doanh bày bán hàng hóa lấn chiếm vỉa hè. Trong khi đó lực lượng làm công tác trật tự đô thị còn quá mỏng, thiếu kinh phí để thực hiện; sự phối hợp giữa các ban, ngành của thành phố chưa đồng bộ; công tác vận động, tuyên truyền đến người dân chưa sâu sát; vì mưu sinh nên người dân bất chấp vi phạm.
Còn ông Đặng Nhật Nam, Chủ tịch UBND phường Lý Thường Kiệt, cho hay trước đây phường đăng ký xây dựng 4 tuyến đường văn minh đô thị gồm: Tôn Đức Thắng, Trần Phú, Diên Hồng và Lê Duẩn. Tuy nhiên trong quá trình triển khai có nhiều quy định bất cập, khó thực hiện như quy định nhân dân không được bỏ rác trước 21 giờ; người dân không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Sau nhiều năm đăng ký thực hiện, các phường đều không thực hiện được, trong năm 2018, UBND TP Quy Nhơn chỉ giao cho mỗi phường, xã xây dựng một tuyến đường văn minh đô thị.
Theo ông Nam, năm 2018 dù thành phố chỉ giao xây dựng một tuyến đường nhưng lại chọn đoạn đường Tôn Đức Thắng (từ ngã tư Nguyễn Lương Bằng đến giáp đường Chu Văn An). Đây là đoạn đường có các hộ kinh doanh và chợ Sân bay nên rất phức tạp về tình hình ANTT, các tiểu thương không những lấn chiếm vỉa hè mà tràn xuống lòng đường để mua bán, rác thải vứt bừa bãi, xe cộ để tràn lan dưới lòng đường nên cũng rất khó thực hiện đạt yêu cầu.
Cần vào cuộc quyết liệt
Theo ông Đặng Nhật Nam, để thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng tuyến đường văn minh đô thị thì cần có sự đồng thuận của nhân dân, do vậy phường sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và sự tham gia của người dân. Đồng thời các cơ quan chức năng cần phải kiến nghị, điều chỉnh tăng mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm như dán quảng cáo, rao vặt không đúng nơi quy định, mua bán lấn chiếm lòng, lề đường để răn đe, không tái diễn.
Ông Nguyễn Công Vịnh, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết trong những năm qua, thành phố đã chú trọng đến công tác lập lại trật tự đô thị, ATGT và vệ sinh môi trường, nhất là các tuyến đường được các phường, xã đăng ký xây dựng tuyến đường văn minh đô thị. Thành phố tổ chức nhiều đợt ra quân lập lại trật tự đô thị, thế nhưng sau thời gian ra quân, UBND các phường, xã không tiếp tục duy trì hoặc thiếu quan tâm nên dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh mua bán. Một số phường, xã chưa tập trung xử lý các địa điểm thường xuyên xảy ra vi phạm mà đùn đẩy trách nhiệm vào lực lượng chức năng của thành phố.
Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ ban hành quy chế phối hợp trong lĩnh vực trật tự đô thị. Theo đó, mỗi tháng UBND các phường, xã phải ra quân lập lại trật tự đô thị ít nhất 3 đợt, Đội Trật tự đô thị thành phố và các đơn vị thành phố chọn địa điểm thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để phối hợp với UBND các phường, xã ít nhất 2 lần/tháng. Đồng thời các cấp chính quyền của thành phố sẽ phối hợp cùng Mặt trận và các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cam kết tự giác thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trật tự đô thị.
Theo quy định xây dựng tuyến đường văn minh đô thị có 5 tiêu chí lớn (trong đó có 22 tiêu chí nhỏ) nhưng có những tiêu chí mà hiện nay các phường, xã khó thực hiện tốt, như tiêu chí vệ sinh môi trường, yều cầu các tổ chức, hộ dân để chất thải, rác thải sinh hoạt đúng thời gian (sau 21 giờ), địa điểm quy định; tiêu chí quản lý ANTT- Trật tự đô thị và đảm bảo ATGT, phải phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, công viên, dải cây xanh để hoạt động kinh doanh, buôn bán, nơi công cộng để họp chợ, tụ tập đông người gây mất ANTT…
VĂN LƯU