Phát triển thị trường KH&CN: Bài toán kết nối cung - cầu
Những khó khăn, rào cản trong phát triển thị trường KH&CN thời gian qua đòi hỏi 3 nhà: trường ÐH, viện nghiên cứu - Nhà nước - DN phải hiểu nhau để tạo sự liên kết cung - cầu công nghệ. Trong đó, tổ chức trung gian của thị trường (chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước) đóng vai trò quan trọng.
Để phát triển thị trường KH&CN đòi hỏi phải có sự liên kết cung - cầu công nghệ giữa nhà khoa học - nhà nước và DN.
- Trong ảnh: Kiểm tra gà giống 1 ngày tuổi tại Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Khoảng cách cung - cầu
Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN giai đoạn 2016 - 2020, nhiệm vụ phát triển KH&CN và DN KH&CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đã hỗ trợ nhiều DN tiếp cận và ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Đáng chú ý là việc hoàn thiện, đưa vào vận hành sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến (Techmart online) nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm KH&CN, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ trên địa bàn tỉnh với các đối tác trong, ngoài nước. Đây cũng là kênh định hướng hình thành các tổ chức trung gian hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN, đưa kết quả nghiên cứu khoa học có tiềm năng phục vụ cộng đồng, DN, tiến đến hình thành DN KH&CN.
Từ những hỗ trợ đó, hoạt động nghiên cứu của các DN đã tạo ra một số sản phẩm mới có triển vọng xuất khẩu. Điển hình như Công ty CP Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định với sản phẩm than hoạt tính Biochar, giấm gỗ sinh học. Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế với dự án nhà nước về sản xuất thuốc điều trị ung thư. Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư với sản phẩm gà giống Minh Dư 1 ngày tuổi...
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Đình Chương cho rằng, trong khi nhu cầu chuyển giao, ứng dụng các thành tựu KH&CN trong và ngoài nước vào phát triển sản xuất, kinh doanh ở Bình Định thời gian qua tương đối lớn, thì việc tìm kiếm thông tin về công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường ĐH, DN KH&CN, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như việc xác định rõ về nhu cầu đổi mới công nghệ của các tổ chức, DN còn khó khăn.
“Các DN tự thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển để có được các sản phẩm mới, còn để phối hợp với đơn vị bên ngoài triển khai nghiên cứu đổi mới sản phẩm rất hiếm. Với đổi mới quy trình, chủ yếu DN thực hiện thông qua phương thức đầu tư vào công nghệ mới hay nâng cấp công nghệ hiện tại, trong khi chuyển giao từ các tổ chức KH&CN đến DN hầu như chưa có gì”, ông Chương nói.
Điều đó cho thấy, sự liên kết giữa DN (bên cầu) với các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường ĐH (bên cung) vẫn còn rất hạn chế. Đại diện một DN KH&CN của tỉnh bày tỏ, mặc dù câu chuyện “gắn kết giữa các nhà khoa học với DN” đã được đề cập nhiều, nhưng dường như vẫn còn khoảng cách không nhỏ giữa nhu cầu đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh của DN với các kết quả nghiên cứu khoa học của các viện, trường.
Cần cái “bắt tay” liên kết
Rõ ràng, để góp phần phát triển thị trường KH&CN, các hoạt động liên kết và xúc tiến nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ là rất quan trọng. Hiện nay, những mô hình về tổ chức trung gian đang tạo ra cơ hội để nhà đầu tư tìm kiếm các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trong mọi lĩnh vực.
Dù về cơ bản, môi trường pháp lý cho thị trường KH&CN đã đầy đủ, nhưng chưa thật sự hoàn thiện. Nguyên nhân là một số chủ trương, chính sách, biện pháp thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ đang trong giai đoạn sửa đổi, cần thêm thời gian để có thể phát huy hiệu quả trên thực tế. DN của tỉnh chủ yếu là DN nhỏ và vừa, không có tiềm lực về nhân lực, vốn, trình độ quản lý, năng lực nghiên cứu… Tỉnh thiếu các tổ chức trung gian đủ mạnh để cung cấp các dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên trong các giao dịch liên quan đến công nghệ, tài sản trí tuệ.
Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là mối liên kết “3 nhà”: viện nghiên cứu, trường ĐH - cơ quan quản lý nhà nước - DN chưa tốt. Sản phẩm nghiên cứu chưa thực sự bám sát nhu cầu DN, quy mô đề tài nghiên cứu nhỏ và tính phổ biến ứng dụng hạn chế. Nhiều nhà khoa học chưa biết cách truyền tải thông điệp về sản phẩm của mình một cách dễ hiểu, vẫn nặng tính kỹ thuật.
Về vấn đề này, ông Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Trong thời gian đến, tỉnh ưu tiên cho việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá sàn giao dịch công nghệ của tỉnh; phát triển các hoạt động xúc tiến mua bán công nghệ, sản phẩm KH&CN, môi giới chuyển giao công nghệ. Mặt khác, nghiên cứu xây dựng cầu nối, mối quan hệ liên kết giữa nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu giữa các viện nghiên cứu, Trường ĐH Quy Nhơn với các DN trên địa bàn tỉnh.
Với vai trò hỗ trợ xây dựng phát triển thị trường công nghệ cho địa phương, ông Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ (Bộ KH&CN) - cho rằng: “3 nhà” phải “hiểu nhau”, tạo sự liên kết cung - cầu thì mới giải được bài toán phát triển thị trường công nghệ. Đặc biệt, một trong những biện pháp phát triển thị trường KH&CN hiệu quả là thông qua hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các cá nhân, DN với những ý tưởng công nghệ mới, mô hình kinh doanh sáng tạo và chấp nhận rủi ro để đưa những sản phẩm, dịch vụ ra thị trường.
MAI HOÀNG