Ðể các em có thói quen đọc sách
Tháng 9 vừa qua, Trung ương Ðoàn, Hội đồng Ðội Trung ương tổ chức lễ phát động cuộc thi “Ðọc sách vì tương lai”. Hội đồng Ðội tỉnh cũng đã triển khai cuộc thi đến tất cả các trường học trong tỉnh.
Các thư viện thân thiện ở Vân Canh đã góp phần tạo được thói quen đọc sách trong học sinh.
- Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Canh Hiển đang đọc sách tại Thư viện Thân thiện.
Nhân cuộc thi, tôi xin có vài trao đổi với ước mong góp phần nhỏ bé của mình vào thành công chung với mục đích như tên gọi của cuộc thi “Đọc sách vì tương lai”.
Theo Ban Tổ chức, Cuộc thi “nhằm phát triển phong trào đọc sách, hình thành văn hóa đọc trong thiếu niên, nhi đồng; tôn vinh giá trị, khẳng định vai trò của sách trong việc học tập, rèn luyện, phát triển kỹ năng xã hội cho thiếu nhi. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi; tạo môi trường phát triển phong trào đọc sách, văn hóa đọc. Đồng thời, tạo điều kiện để thiếu nhi nêu lên tiếng nói, quan điểm của mình về các vấn đề liên quan đến các em”.
Có một thực trạng đáng lo là việc đọc sách của học sinh - ở trường học cũng như ở nhà - chưa được quan tâm đúng mức; việc bố trí phòng đọc sách, tài liệu ở các thư viện chưa khoa học, số đầu sách chưa phong phú. Do lịch học, các hoạt động giáo dục khác khá dày nên học sinh không có thời gian để đọc sách.
Để hình thành thói quen đọc sách cho các em, bên cạnh việc tích cực hưởng ứng cuộc thi, tôi nghĩ cần có giải pháp thực tế để việc đọc sách không phải là theo phong trào nhất thời mà là hoạt động vì nhu cầu, lợi ích tự thân của các em, trước tiên là trong môi trường trường học. Mặt khác, có lẽ cũng cần bố trí để việc đọc sách như là hoạt động trong thời khóa biểu chính khóa, ở đó các em được thầy cô hướng dẫn việc đọc. Nội dung đọc, chủ đề loại sách cần đọc nên gắn liền hoạt động học tập của học sinh để tạo hứng thú, mang lại lợi ích của việc đọc trong các em.
Có một điểm rất quan trọng theo tôi là Nhà nước cần bố trí ngân sách để các trường bổ sung sách, báo, giúp nguồn tài liệu của thư viện trường phong phú, thiết thực, cập nhật, thu hút học sinh. Nói là “rất quan trọng” bởi thực tế khoản chi cho hạng mục mua sách ở thư viện trường học rất thấp.
Cuộc thi là hoạt động do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức nên hàng tuần khi sinh hoạt dưới cờ nên có đánh giá cụ thể việc tham gia đọc sách ở thư viện của các chi đội làm căn cứ xét thi đua trong toàn liên đội trường học.
Những giải pháp này có thể hình thành cho học sinh kỹ năng quan trọng trong học tập, hình thành văn hóa đọc thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh cũng như góp phần định hướng học sinh trong việc tiếp cận các tài liệu, văn hóa phẩm, giúp các em hình thành kỹ năng đọc, tạo “bộ lọc” nhận diện những thông tin độc hại, phản khoa học, vẫn hay xuất hiện trên mạng internet.
Tôi tin rằng nếu tập trung đầu tư, ta sẽ thành công trong “tôn vinh giá trị, khẳng định vai trò của việc đọc sách trong học tập, rèn luyện, phát triển kỹ năng xã hội, phát triển phong trào đọc sách, hình thành văn hóa đọc”.
Ðể tham dự cuộc thi, các em đăng ký tham gia thi tại website: docsachvituonglai.vn. Học sinh tìm đọc các cuốn sách, câu chuyện có liên quan chủ đề, sau đó kể lại và nêu cảm nghĩ về cuốn sách, câu chuyện thông qua việc viết cảm nhận hoặc quay video clip, đăng vào website chính thức của cuộc thi, chia sẻ và kêu gọi bình chọn.
Cuộc thi được chia làm 6 đợt với 6 chủ đề phù hợp với nhận thức, lứa tuổi của thiếu nhi: Lịch sử đất nước, quê hương; Bác Hồ và các danh nhân Việt Nam; phát triển kỹ năng sống, quản lý tài chính; khám phá khoa học, bảo vệ sức khỏe; phát triển tư duy, ngôn ngữ; tình cảm gia đình, thầy cô, bạn bè.
PHẠM MINH TRUNG