Sáng tạo khuyến học ở Nhơn Lộc
Gắn chương trình hoạt động hàng năm của mình với hoạt động của các hội, đoàn thể khác trong xã, nhiều năm qua, Hội Khuyến học xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) thực hiện tốt nhiều phần việc trong triển khai chủ trương xã hội học tập, học tập suốt đời.
Việc xây dựng tốt các mô hình học tập trên địa bàn giúp mọi người dân xã Nhơn Lộc quan tâm ngày càng nhiều đến việc học tập của con em mình.
- Trong ảnh: Các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Nhơn Lộc nhận học bổng của Hội Khuyến học xã đầu năm học 2018-2019.
Ông Trần Thanh An, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nhơn Lộc, cho biết: Nhờ điểm thuận lợi là các thành viên Ban chỉ đạo khuyến học của xã đều là trưởng thôn, người đứng đầu các hội, đoàn thể, nên việc phối hợp, lồng ghép hoạt động sao cho đồng bộ đã đạt hiệu quả cao. Nhờ vậy đến nay 17/17 chi hội khuyến học ở Nhơn Lộc đều hoạt động khá tốt.
2 năm qua, từ ý tưởng của Hội Khuyến học xã, Trường THCS Nhơn Lộc đã triển khai mô hình “Phân hội khuyến học” dành cho những phụ huynh là hội viên hội khuyến học của trường. Theo thầy Trương Đình Phương, Hiệu trưởng nhà trường, vào đầu mỗi năm học, hội khuyến học của trường đề nghị phụ huynh tham gia Phân hội, đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu Gia đình học tập. Kết quả tỉ lệ tham gia của phụ huynh hàng năm đều trên 90% và cách làm liên thông này đã kết nối, liên thông từ trường học đến địa phương, tạo cơ sở để hoạt động khuyến học phát triển tốt. Phát huy kết quả đó, năm học 2018 - 2019, Hội Khuyến học xã mở rộng thực hiện mô hình ở trường tiểu học của xã.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Chủ tịch Hội Khuyến học TX An Nhơn, đánh giá: Sáng kiến “phân hội khuyến học” của Nhơn Lộc phát huy hiệu quả ở những địa phương gặp khó khăn về nhân lực làm công tác khuyến học. Với sáng kiến này, khi đã đăng ký vào phân hội thì không cần đăng ký ở nơi cư trú nữa.
Ông Trần Thanh An cho biết: “Khi bắt đầu xây dựng các mô hình học tập, xã Nhơn Lộc không triển khai thí điểm như nhiều nơi vẫn làm. Chính quyền cũng như nhiều đoàn thể thống nhất nhận định rằng, việc làm thí điểm nhiều khả năng sẽ tạo cảm giác rời rạc, ít thống nhất. Thay vào đó, chúng tôi nghiên cứu, thảo luận và thống nhất mô hình, cách làm, kế hoạch thực hiện và triển khai đồng loạt trong toàn xã, nhờ vậy đã tạo được sự đồng đều và ngày càng lan tỏa rộng khắp”.
NGỌC TÚ