“Tự điển” và “từ điển”
Không ít người cho rằng “từ điển” và “tự điển” là một, đồng nghĩa. Nguyên nhân là bởi hai từ này có âm đọc rất gần nhau. Hơn nữa hai yếu tố “từ” và “tự” của chúng cũng có quan hệ gần gũi về nghĩa. Thật ra, “từ điển” và “tự điển” là hai từ hoàn toàn khác nhau. Vấn đề nằm ở hai yếu tố “từ” và “tự”.
Đây là hai yếu tố Việt gốc Hán khác nhau hoàn toàn (chứ không phải “từ” là dạng Việt hóa của “tự” như nhiều người lầm tưởng). “Tự” có tự dạng gồm chữ miên ở trên và bộ tử ở dưới, có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa “chữ, chữ viết”. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích: “Bắt chước hình trạng của từng loài mà đặt gọi là văn, hình tiếng cùng hợp lại với nhau gọi là tự”. Cho nên mới có “văn tự” nghĩa là “chữ viết” nói chung, “thuyết văn giải tự” là nói về văn để giải thích các tự, “tự dạng” là hình dáng của chữ. Trong khi đó, “từ” có tự dạng bộ ngôn bên trái, chữ ti bên trái, có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa “đơn vị ngôn ngữ có khái niệm hoàn chỉnh, có thể sử dụng một cách độc lập trong câu nói hay viết”. Trong ngôn ngữ học, “chữ” và “từ” là hai khái niệm khác nhau một trời một vực.
Vậy còn “điển” có nghĩa là gì? Từ này nghĩa là “sách được coi là mẫu mực, dùng làm tiêu chuẩn”. Như vậy, “tự điển” (như Tự điển Hán Việt của Nguyễn Văn Chánh, Tự điển chữ Nôm Vũ Văn Kính) là sách giải thích về chữ, còn “từ điển” (như Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên) là sách giải thích về từ. Đối với các ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt, tiếng Hán, chữ và từ không hoàn toàn đồng nhất. Cụ thể, mỗi chữ sẽ tương ứng với một hình vị. Còn mỗi từ có thể do một hoặc nhiều hình vị tạo thành, do đó, tương ứng với một hoặc nhiều chữ. Cho nên, mỗi mục của tự điển là một chữ, còn mỗi mục của từ điển là một từ (viết bằng một hoặc nhiều chữ).
Một điểm khác nhau cần lưu ý là, “từ điển” chủ yếu giải thích nghĩa của từ. Trong khi đó, “tự điển” còn giải thích thêm về những vấn đề liên quan đến chữ (như tự dạng, âm đọc…). Đối với cùng một ngôn ngữ, “từ điển” thì có thể loại như “từ điển y học”, “từ điển văn học”… nhưng “tự điển” thì chỉ có một loại mà thôi.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ