Bảo đảm hành lang an toàn lưới điện: Cần sự phối hợp đồng bộ
Thời gian qua, Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện. song để giảm thiểu vi phạm vẫn cần nhiều giải pháp, nhất là sự phối hợp đồng bộ với các cấp, các ngành hữu quan.
Khó xử lý vi phạm
Theo số liệu thống kê của Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định), năm 2017 toàn tỉnh có 61 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ), đã xử lý 17 vụ. Riêng 9 tháng năm 2018 có 44 vụ vi phạm, xử lý được 15 vụ. Đáng chú ý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm HLATLĐ, trong đó, số vụ vi phạm HLATLĐ do sự cố cây cối ngã đổ vào đường dây điện có chiều hướng gia tăng, còn lại là vi phạm do xây dựng các công trình nhà ở, công trình giao thông…
Điện lực Quy Nhơn xử lý kết cấu lưới điện đảm bảo an toàn cho nhà dân. Ảnh: N.NHUẬN
Theo ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc PC Bình Định, tình trạng cây cối ngã đổ chiếm 80% sự cố lưới điện, làm gián đoạn cấp điện hàng giờ liền, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và sinh hoạt của nhân dân. Nguyên nhân trước đây lưới điện ở nhiều địa phương kéo ngang qua đất vườn của người dân, trong khi người dân trồng keo, bạch đàn… dưới đường dây điện, gây nguy cơ xảy ra sự cố về điện. Mặt khác, việc cấp phép xây dựng nhà ở của các cơ quan, các địa phương vẫn chưa quan tâm đến đảm bảo HLATLĐ, gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn lưới điện. Nhiều trường hợp xảy ra sự cố về điện do xe cẩu, xe nâng trong quá trình thi công các công trình đã ảnh hưởng đến lưới điện.
“Việc xử lý vi phạm luôn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nguyên nhân chính là người dân vẫn còn thiếu ý thức, không chấp hành quy định về an toàn điện. Nhiều trường hợp rất khó vận động người dân chặt bỏ cây trồng mỗi khi ngành Điện phát quang hành lang tuyến. Khi thi công công trình nhà ở, thợ xây chủ quan thấy dây bọc thì phủ bạt qua dây điện để thi công. Có những trường hợp xe đổ đất để mở đường lên núi khai thác cây trồng, việc nâng đất đã làm cho đường dây điện hạ thấp xuống và xảy ra va quẹt gây sự cố về điện…”, ông Bình cho hay.
Theo ông Trần Hoài Nam, chuyên viên Phòng An toàn của PC Bình Định, mặc dù có quy định xử phạt vi phạm HLATLĐ, nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra và rất khó kiểm soát. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra nhiều vụ vi phạm HLATLĐ, gây hậu quả đáng tiếc, như vụ tai nạn trong quá trình xây nhà tại đường Tăng Bạt Hổ (TP Quy Nhơn) vào tháng 4.2018, do thợ xây bất cẩn khi kéo bó sắt lên tầng nhà đã để bó sắt tiếp xúc với lưới điện, gây phóng điện dẫn đến chết người. Cuối tháng 5.2018, tại huyện Tây Sơn, một thợ sắt trong quá trình lợp tôn mái nhà đã để tấm tôn tiếp xúc với trạm biến áp gây phóng điện, rất may vụ tai nạn không gây chết người…
Cần sự phối hợp đồng bộ
Thời gian qua, PC Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ HLATLĐ, đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, cung ứng nguồn điện liên tục cho khách hàng sử dụng. Tuy nhiên, ngành Điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm HLATLĐ.
Ông Nguyễn Văn Khoa, cán bộ phụ trách về an toàn điện thuộc Điện lực Quy Nhơn, kiến nghị: “Ngành chức năng khi cấp phép xây dựng cần phối hợp đồng bộ với ngành Điện, tránh tình trạng chồng chéo với tim mốc đường dây điện và khoảng cách công trình nhà ở, giàn giáo xây dựng… để đảm bảo HLATLĐ. Chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành Điện trong việc vận động người dân trồng cây phải giữ khoảng cách an toàn lưới điện”.
Để giải quyết triệt để tình trạng vi phạm HLATLĐ, ông Nguyễn Thái Bình cho rằng: Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Điện, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành và chính quyền các địa phương; một mình ngành Điện rất khó xử lý dứt điểm các vi phạm.
PC Bình Định cũng đã chỉ đạo các đơn vị điện lực trực thuộc tăng cường phối hợp tuyên truyền các quy định về an toàn lưới điện; thường xuyên phát quang cây cối dọc hành lang tuyến; kiểm tra, xử lý thay đổi kết cấu lưới điện, khắc phục hệ thống đường dây, trụ điện nhằm đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống lưới điện, giảm thiểu sự cố và tai nạn do vi phạm HLATLĐ tại các địa phương.
NGỌC NHUẬN