Rắc rối chia nhà, đất sau ly hôn
Khi còn hạnh phúc, hầu như ít cặp vợ chồng nào nghĩ đến việc có ngày họ sẽ ra tòa, đối mặt nhau trong cuộc tranh chấp quyết liệt giành tài sản, nhất là phần chia tài sản là bất động sản.
4 lần xử, vẫn chưa xong
Cho đến thời điểm này, cuộc chiến tranh chấp về tài sản chung sau ly hôn giữa vợ chồng ông bà Đ.T.B. và P.Đ.N. (Hoài Nhơn) vẫn chưa thể đi đến hồi kết, dẫu qua hai lần xét xử ở cấp sơ thẩm, hai lần cấp phúc thẩm.
Họ kết hôn năm 1995, sinh được một con trai, năm 2007 ly hôn, nhưng vào thời điểm đó, bà B. không yêu cầu chia tài sản chung. Sau khi đi xuất khẩu lao động trở về, năm 2011 bà B. khởi kiện đòi chia tài sản chung, cụ thể là 2 lô đất thửa số 60 và 61 (150m2/thửa) ở xã Hoài Hải mà hai vợ chồng cùng tạo lập khi còn chung sống với nhau. Do đang phải nuôi con chung, kinh tế khó khăn, lại chưa có chỗ ở ổn định, bà B. đòi chỉ cần được chia một trong hai lô đất trên để ổn định nuôi con.
Bị đơn là ông N. cho rằng hai thửa đất trên, tuy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều đứng tên ông nhưng thực chất đều của hai người họ hàng nhờ đứng tên giúp, do đó ông không đồng ý yêu cầu chia tài sản của vợ cũ. Đồng thời, ông cũng đòi chia phần nhà, đất là một cái quán do vợ chồng ông xây dựng trên phần đất của cha mẹ bà B.
Tháng 6.2012, tòa sơ thẩm tuyên bà B. được thửa đất 60, ông N. được thửa đất số 61 nhưng vì ông đã bán cho người khác vào năm 1999 nên phải chịu trách nhiệm về thửa đất này. Ngoài ra, mỗi người được 1/2 giá trị ngôi nhà quán, quy ra bằng tiền. Đương sự kháng cáo. Tháng 9.2012, TAND tỉnh tuyên hủy bản án của cấp sơ thẩm vì vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, chuyển cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu.
Tháng 4.2013, TAND huyện Hoài Nhơn xử sơ thẩm lần hai. Việc thu thập chứng cứ cho thấy: Thửa đất số 60 là tài sản chung của hai vợ chồng; đối với thửa số 61, tòa không chấp nhận việc chia tài sản chung thửa đất này theo yêu cầu của bà B. vì quyền sử dụng đất và nộp tiền đều trước thời điểm họ kết hôn; các phiếu thu tiền cũng thể hiện là do người họ hàng của ông N. nộp. Tòa tuyên: bà B. được sở hữu ngôi nhà quán (trị giá gần 14 triệu đồng) nhưng phải thối lại tiền chênh lệch ngôi nhà quán cho chồng cũ gần 7 triệu đồng và 1/2 thửa đất số 60. Ông N. được 1/2 giá trị ngôi nhà quán, 1/2 thửa đất số 60.
Đương sự tiếp tục kháng cáo. Tháng 8.2013, TAND tỉnh xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại. Vì mỗi bên đều cố gắng để bảo vệ quyền lợi của mình, nên không ngại “đáo tụng đình”, kéo theo đó là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác, làm cho vụ án thêm phần phức tạp. Chẳng hạn, ở phiên tòa sơ thẩm lần hai, ông N. và một số người liên quan khai rằng thửa đất số 60 là do cậu ông tên V.T. gửi tiền mua, nhờ ông N. đứng tên. Vì ông T. đã chết nên nhất thiết phải đưa vợ và các con của ông là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào trong vụ án, nhưng cấp sơ thẩm đã bỏ sót người. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bản án sơ thẩm lần hai tiếp tục bị cấp phúc thẩm hủy án. Không biết đến khi nào vụ án tranh chấp nhà, đất của vợ chồng họ mới đến hồi chung cuộc?
Ly hôn rồi, biết ở đâu?
Ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, có lần đã cho biết, trong quá trình trợ giúp pháp lý lưu động tại vùng nông thôn, có khá nhiều trường hợp đến giãi bày, nhờ tư vấn về việc họ không biết ở đâu sau khi ly hôn. Ông Chưa phân tích thêm, ở nông thôn không có dịch vụ nhà trọ như ở thành phố, nên dù muốn ở riêng họ cũng không kiếm được chỗ ở; mặt khác, số tiền thối lại của bên kia (nếu có điều kiện) cũng không đủ để họ tạo lập một chỗ ở mới. Vì vậy, một số trường hợp vẫn phải chấp nhận ở lại nhà cũ, dẫu việc ở chung như vậy hết sức phức tạp. Ngoài ra, vì thiếu hiểu biết, không dám nhờ pháp luật can thiệp nên không phải người nào cũng đủ dũng cảm để ngăn nhà, chia đất, đành chấp nhận sống chung cùng “lũ”.
Mới đây, đoàn trợ giúp pháp lý về trợ giúp tại huyện Vân Canh đã ghi nhận một trường hợp một phụ nữ lớn tuổi, nhờ tư vấn về trường hợp của mình: Bà tuy đã ly hôn, song vẫn ở chung nhà với chồng cũ. Tuy nhiên, những tháng ngày sống tại đây đã thực sự trở thành địa ngục vì bà liên tục bị chồng cũ bạo hành từ tinh thần đến thể xác, đến mức phải nhiều lần đi ở nhờ để “lánh nạn”.
Trong nhiều vụ án ly hôn ở nông thôn, người phụ nữ thường chịu thiệt thòi, nhất là trường hợp về chung sống ở gia đình nhà chồng, tuy có đóng góp công sức xây dựng gia đình nhưng trên giấy tờ, tài sản đất đai đều do gia đình nhà chồng đứng tên. Số tiền được gia đình nhà chồng thối lại thường không đủ để họ tạo lập một chỗ ở mới. Cách đây đã lâu, một vụ án ly hôn ở thị xã An Nhơn kéo dài nhiều năm cũng liên quan đến việc thu xếp chỗ ở cho người phụ nữ sau ly hôn. Dù tòa tuyên chị được ở lại ngôi nhà do vợ chồng tạo lập để nuôi con, nhưng vì nhà được xây dựng trên đất từ đường của gia đình nhà chồng nên phía chồng kiên quyết không chấp nhận. Sau nhiều năm giằng dai, cuối cùng chính quyền phải tạo điều kiện cho chị mua đất giá rẻ để thu xếp chỗ ở cho mấy mẹ con.
NGUYỄN SƠN