Nên quan tâm đến sức khỏe tâm thần
Bệnh tâm thần xuất hiện ở tất cả các giai đoạn khác nhau của cuộc đời và có thể kéo dài suốt đời. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành tâm thần, ở Việt Nam có khoảng 14 -20% dân số mắc các rối loạn tâm thần thường gặp. Tuy nhiên, có một nửa bệnh tâm thần khởi phát từ 14 tuổi, và hầu hết chưa được phát hiện, điều trị.
Hiện nay, cùng với tốc độ phát triển của xã hội, bệnh tâm thần cũng đa dạng, phức tạp hơn. Ở những người trẻ tuổi, việc lạm dụng các thiết bị công nghệ, làm con người xao nhãng công việc, học hành, sống ảo nhiều hơn sống thực. Tình trạng nghiện game gây rối loạn hành vi ứng xử ở thanh thiếu niên đang ngày càng nghiêm trọng.
Tại Bình Ðịnh, hiện chưa có thống kê chính xác tỉ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh tâm thần tại cộng đồng. Nhưng theo số liệu của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, những người thuộc độ tuổi thanh thiếu niên chiếm khoảng 33,7% số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong số đó, hầu hết mắc những bệnh loạn thần nặng, căn nguyên chưa rõ ràng như bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn dạng phân liệt. Sau đó là nhóm bệnh rối loạn tâm căn có liên quan đến stress và rối loạn dạng cơ thể cũng chiếm một tỉ lệ khá cao. Ðáng chú ý, những năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên rối loạn tâm thần có liên quan đến sử dụng chất gây nghiện đến khám và điều trị cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể.
Nếu thấy có các biểu hiện như buồn chán, thu mình lại, mất hứng thú với các sở thích trước đây; rối loạn giấc ngủ và ăn uống; hay lo lắng, sợ hãi không lý do, hoảng loạn; khó khăn trong giao tiếp, cư xử; khó tập trung, kết quả học giảm sút, bỏ học, không muốn đến trường; có những ý nghĩ kỳ lạ như có ai kiểm soát, theo dõi mình hay nghe thấy tiếng người nói trong đầu; có những hành vi nguy hại, tự gây thương tích; lạm dụng bia rượu hay ma túy; có những cơn co giật… thì cần điều trị sớm và tuân thủ phác đồ điều trị nhằm giúp cho bệnh ổn định nhanh, giảm thiểu những biến chứng.
Ðể có được một sức khỏe tâm thần tốt, bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, mỗi người - đặc biệt là thanh thiếu niên - nên tập và xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, trang bị các kỹ năng cần thiết để đối đầu với các thách thức hàng ngày.
BS CKII NGUYỄN THỊ ĐỊNH
(Bệnh viện Tâm thần Bình Định)