Triển khai Bộ luật Hình sự về tội phạm trên lĩnh vực bảo hiểm: Tìm giải pháp hiệu quả
Sau hơn 9 tháng có hiệu lực thi hành, việc áp dụng và triển khai Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn khá dè dặt.
Hội thảo khoa học “Các giải pháp triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)” (diễn ra vào ngày 11.10, tại TP Quy Nhơn) là cơ sở để các ngành, đơn vị liên quan, các địa phương, các chuyên gia cùng xây dựng các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Bộ luật Hình sự, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và quản lý hiệu quả quỹ BHXH, BHYT, BHTN.
Sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và cơ quan BHXH, cùng các ngành liên quan sẽ góp phần triển khai có hiệu quả Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
- Trong ảnh: BHXH tỉnh và CA tỉnh ký kết chương trình phối hợp trong giai đoạn 2017 - 2022.
Còn nhiều vướng mắc
Thông tin từ Vụ Pháp chế BHXH Việt Nam, sau 8 tháng thực hiện, đã có 12 cơ quan BHXH cấp tỉnh chuyển 40 hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó, có 15 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 214 (tội gian lận BHXH, BHTN), 1 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 215 (tội gian lận BHYT) và 24 hồ sơ đề nghị xử lý theo Điều 216 (tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động).
Kết quả, có 2 vụ việc (ở tỉnh Hưng Yên) đã bị khởi tố nhưng theo tội danh khác như: “giả mạo trong công tác” và “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; 1 vụ việc (ở tỉnh Quảng Bình) chuyển sang xử lý hành chính do cơ quan điều tra xác định chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm; 10 vụ việc (ở tỉnh Đồng Nai và Đồng Tháp) không được cơ quan điều tra thụ lý vì hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực (tức ngày 1.1.2018); 1 trường hợp DN ở tỉnh Hà Tĩnh đã tự nguyện trả hết nợ sau khi cơ quan BHXH chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra…
Theo đại diện các đơn vị BHXH các tỉnh, hiện nay, cơ quan BHXH còn rất lúng túng trong quy trình, danh mục hồ sơ đối với việc chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng. Hồ sơ chuyển cho cơ quan điều tra chủ yếu là các tài liệu liên quan đến hoạt động quản lý của cơ quan BHXH như: biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN, biên bản và kết luận thanh tra, công văn báo cáo UBND tỉnh... Mặt khác, BHXH các tỉnh, thành phố cũng gặp khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm, cách xác định các dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Xây dựng hướng dẫn
TS Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND Tối cao, cho biết: “Để các quy định liên quan đến tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng thống nhất trong thực tiễn, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Để có cơ sở xây dựng nghị quyết hướng dẫn nội dung này, TAND Tối cao đã yêu cầu các cơ quan, địa phương báo cáo về các tranh chấp dân sự trước đó trong lĩnh vực bảo hiểm. Điều bất lợi là hầu hết tòa án các tỉnh đều gửi báo cáo còn sơ sài, làm công tác đánh giá, theo dõi thực trạng của chúng tôi gặp nhiều khó khăn”.
Cũng theo ông Công, tại nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần hướng dẫn để thống nhất cách hiểu đối với một số khái niệm như: gian lận BHXH, BHYT, BHTN; trốn đóng bảo hiểm; thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; có tính chất chuyên nghiệp... Cũng cần phải làm rõ một số vấn đề trong các quy định về các tội gian lận BHXH, BHYT, BHTN. Chẳng hạn phải làm rõ chiếm đoạt tiền BHYT đối với những loại chế độ nào, các chi phí thực tế mà người bệnh không sử dụng là chi phí gì. Phải làm rõ các hành vi: lập hồ sơ, bệnh án, kê đơn thuốc khống; kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT; sử dụng thẻ BHYT được cấp khống...
Ông Hồ Quang Hùng, Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ CA, cho rằng: Ngoài 3 tội danh đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, cần bổ sung quy định về xử lý hình sự đối với những hành vi phạm tội khác liên quan đến quản lý và thực hiện BHXH, BHYT, BHTN thay vì viện dẫn các điều luật khác trong Bộ luật Hình sự để xử lý như hiện nay.
Ông Nguyễn Thế Linh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, CA TP Hải Phòng, chia sẻ kinh nghiệm: “Công tác nắm tình hình và điều tra cơ bản, đặc biệt là phân tích những dấu hiệu, hiện tượng bất thường trong hoạt động kinh tế giúp lực lượng cảnh sát kinh tế kịp thời phát hiện và có những biện pháp đấu tranh ngăn chặn. Mặt khác, trong quá trình này, không thể thiếu sự phối hợp giữa cơ quan CA, BHXH và các ngành liên quan”.
NGUYỄN MUỘI