Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Công khai, minh bạch là “chìa khóa”
Phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, do UBND tỉnh tổ chức ngày 12.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh yêu cầu công khai, minh bạch các nội dung liên quan đến quy hoạch, các dự án đầu tư đã được phê duyệt, đơn giá bồi thường, hỗ trợ, phương án tái định cư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11.
Thiếu dân chủ, hoặc “dân chủ cực đoan”
Ý kiến thảo luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Võ Đình Tuấn tại hội nghị được nhiều người chú ý bởi những diễn biến phức tạp trong thời gian qua trên địa bàn huyện. Theo ông Tuấn, những năm gần đây, công tác dân vận, đặc biệt là dân vận chính quyền hết sức khó khăn. Chính quyền một số xã chưa chú trọng thực hiện dân chủ ở địa phương. “Tình trạng thiếu dân chủ là một phần nguyên nhân dẫn đến những điểm nóng trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Cái gốc của vấn đề vẫn là cán bộ, là con người”, ông Tuấn thẳng thắn nhận định.
“Thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc chấp hành nội quy, giờ giấc làm việc và thanh tra công vụ. Kiên quyết xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe đối với các tập thể, cá nhân vi phạm, có hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN TUẤN THANH
Nhìn rộng ra, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Văn Trượng đánh giá, ở một số nơi, việc tổ chức cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến để cấp có thẩm quyền quyết định, nhất là các vấn đề liên quan đến quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT-XH, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất... còn hình thức. Cá biệt có nơi chưa tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia trước khi cấp có thẩm quyền quyết định, dẫn đến phát sinh nhiều đơn, thư khiếu kiện, trong đó có khiếu kiện đông người, vượt cấp, có vụ người dân thiếu kiềm chế, gây mất ANTT.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến về dân chủ ở cơ sở chậm đổi mới, có biểu hiện đi vào lối mòn, dẫn đến nhiều hệ lụy. “Một mặt là thiếu dân chủ, mặt khác là dân chủ cực đoan, dân chủ bất chấp pháp luật!”, ông Thanh nói.
Tổng kết lý luận, nghiên cứu thực tiễn
Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đặt ra yêu cầu thực hiện tốt quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 trên nguyên tắc: mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải hợp lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời, nâng cao chất lượng của công tác tiếp công dân và xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Người đứng đầu chính quyền cấp huyện, cấp xã thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của dân và kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài và không để phát sinh “điểm nóng”.
Đáng chú ý, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện việc “tổng kết lý luận, nghiên cứu thực tiễn” theo ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong công tác thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Các “điểm nóng” xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua cần được nghiên cứu, đánh giá, tổng kết một cách bài bản, có chất lượng. Cụ thể, xác định nguyên nhân hình thành “điểm nóng”; quá trình xử lý; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị các cấp trong xử lý; kinh nghiệm rút ra...
“Đây là những bài học lý luận vô cùng quý giá, được đúc kết từ thực tiễn nhằm phục vụ cho công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh trong thời gian đến. Đồng thời, cũng là tài liệu để phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, phổ biến, giảng dạy cho đội ngũ làm công tác dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận các cấp của tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.
Từ thực tiễn phát huy hiệu quả của việc thực hiện quy chế dân chủ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị ở TP Quy Nhơn, Trưởng phòng Nội vụ thành phố Nguyễn Văn Quảnh chia sẻ: “Phải đảm bảo phương châm kiên trì, dân chủ, giải thích cặn kẽ, trả lời đầy đủ. Với trường hợp chưa thông thì phải đến tận nhà gặp gỡ, vận động, giải thích tường tận”.
Kết quả 10 năm thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11:
● 203 buổi tuyên truyền, vận động, thuyết phục được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên thực hiện đối với những cử tri, hộ gia đình chưa tán thành trong việc thực hiện những quyết định đã có hiệu lực thi hành.
● Gần 698 triệu m2 đất được người dân trong tỉnh hiến để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, chỉnh trang đô thị... 14 cây cầu nông thôn được vận động xây dựng với tổng trị giá 15,2 tỉ đồng.
● Ban thanh tra nhân dân ở các xã, phường, thị trấn đã giám sát trên 3.900 vụ việc, kiến nghị gần 3.100 vụ việc và được giải quyết hơn 2.800 vụ việc. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát trên 5.350 công trình xây dựng ở địa phương.
NGUYỄN VĂN TRANG