Hỗ trợ người lao động trong tỉnh đi xuất khẩu lao động: Chia sẻ khó khăn, thúc đẩy phong trào
Sau hơn 1 năm triển khai kể từ thời điểm có hiệu lực (24.7.2017), Quyết định số 30/2017/QÐ-UBND về chính sách hỗ trợ cho người lao động trong tỉnh đi làm việc có thời hạn ở tại nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017 - 2020 đã chia sẻ khó khăn, giúp con đường xuất khẩu lao động của nhiều người bớt gian nan.
Quyết định số 30 đã chia sẻ khó khăn, giúp con đường xuất khẩu lao động của nhiều người bớt gian nan.
- Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (đứng giữa) thăm một lớp học tiếng Nhật chuẩn bị nguồn cho xuất khẩu lao động.
Trước Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND về ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động trong tỉnh đi làm việc có thời hạn ở tại nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017 - 2020 (sau đây gọi chung là Quyết định số 30), người tham gia xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi phải thuộc diện: hộ nghèo, hộ chính sách, dân tộc thiểu số, lao động thuộc huyện nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Với quy định được vay tín chấp tối đa không quá 80% chi phí hợp pháp ghi trong hợp đồng dành cho người lao động không thuộc các diện nói trên, Quyết định số 30 mở ra cơ hội lớn cho nhiều người lao động còn khó khăn nhưng mong muốn được thay đổi cuộc sống bằng con đường xuất khẩu lao động.
Đến cuối tháng 9, tỉnh ta có 392 người lao động tham gia xuất khẩu sang các thị trường khác nhau. Trong đó, Nhật Bản: 307 người; Hàn Quốc: 13 người; Đài Loan: 12 người; Lào: 50 người; các nước khác: 10 người.
Bà Trương Thị Mai (ở thôn Xuân Thạnh Nam, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) kể: “Con trai tôi là Nguyễn Văn Thái vừa qua Nhật làm việc được 2 tháng. Trước ngày cháu lên máy bay, gia đình phải chuẩn bị 97 triệu đồng. Số tiền đó không nhỏ. Chỉ có cách đi vay nhưng chúng tôi cứ sợ không phải là hộ nghèo, lãi suất vay sẽ cao. Được nhiều người chỉ dẫn, tôi biết đến chương trình vay của tỉnh mà không cần thế chấp. Gia đình tôi vay được 69 triệu đồng, bớt lo lắng, lúng túng”.
Liên hệ với con thường xuyên qua internet, bà Mai cho biết thêm: tháng đầu tiên sang Nhật Bản, con trai bà phải học tập thêm từ phía công ty và chỉ làm việc chính thức 9 ngày. Nhận được số tiền khoảng 9 triệu đồng, Thái đã xin phép được mua sắm các vật dụng cần thiết, nhất là đồ giữ ấm mùa đông. Cháu báo tin, từ tháng sau, khi thu nhập ổn định chắc chắn sẽ có tiền gửi về để gia đình trả bớt nợ.
Gỡ khó được chi phí xuất khẩu lao động cho các gia đình không thuộc diện chính sách, diện nghèo, Quyết định số 30 còn tháo gánh nặng về vay vốn thế chấp cho hộ nghèo. Theo quy định, đối tượng thuộc diện chính sách, diện nghèo sẽ được vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng từ nguồn vốn Trung ương. Số tiền còn lại của hợp đồng lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, người lao động phải vay theo hình thức thế chấp. Thấu hiểu cái khó này, tại Quyết định số 30, UBND tỉnh đã quy định người lao động thuộc diện chính sách sẽ được Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay tín chấp bổ sung phần còn lại của giá trị hợp đồng theo hình thức tín chấp.
Chính quy định rộng mở đã giúp những gia đình nghèo như hộ bà Lê Thị Dân (ở thôn Nhơn Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) thở phào trước quyết định cho con đi xuất khẩu lao động. Hộ bà Dân thuộc diện nghèo. 1 năm trước, con gái bà được DN tại Nhật Bản tuyển dụng. Chi phí tại hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài lên đến 100 triệu đồng. Bà Dân đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Trung ương và 50 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH. Không cần phải thế chấp, gia đình bà đã vay đủ 100% chi phí để cho con đi xuất khẩu lao động.
Theo số liệu của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, đến cuối tháng 9.2018, toàn tỉnh có 325 người tham gia vay vốn để đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Tổng số tiền cho vay hơn 22 tỉ đồng. Trong đó, có 240 lượt hộ vay từ ngân sách tỉnh ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh với tổng số tiền hơn 16,4 tỉ đồng; 55 lượt hộ vay vốn Trung ương với 2,85 tỉ đồng và 30 lượt hộ vay huyện nghèo theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg với 2,836 tỉ đồng. Sự chênh lệch lớn về số lượt hộ vay và tổng số tiền vay giữa chương trình tín dụng ưu đãi của tỉnh và Trung ương đã cho thấy Quyết định số 30 đã cơ bản giải quyết được những vướng mắc về vốn lâu nay của người lao động thuộc các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào xuất khẩu lao động trong tỉnh ngày một phát triển.
NGUYỄN MUỘI