Người vẽ những “ô cửa” cảm xúc...
Họa sĩ Nguyễn Văn Cần sinh năm 1971, quê gốc ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Anh đang là hội viên Hội VHNT Bình Định, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm của anh đều đặn được chọn tham dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên. Được giới thiệu dự giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (Phố núi cao - 2014; Phế tích Champa - 2015…), giải khuyến khích giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn lần IV (2006 - 2010), Tặng thưởng Tác phẩm hay Tạp chí Văn nghệ Bình Định năm 2017 với tranh minh họa truyện ngắn Ôi, Hương Tuyết…
Nghe anh say sưa kể, phân tích rành mạch những truyện ngắn, từ kết cấu đến ý tưởng, nhiều người cứ đinh ninh hẳn anh là một nhà văn. Hoặc giả, là một ông thầy giáo dạy Văn cũng nên… Thực ra, anh không phải là người viết văn. Nhưng công việc anh đảm nhận nhiều năm nay lại gắn bó mật thiết với nó. Bằng việc, vẽ tranh minh họa cho truyện...
Anh là họa sĩ Nguyễn Văn Cần, gốc Quảng Nam nhưng bén duyên với Bình Định và gắn bó nơi đây từ năm 1998 đến giờ. Cũng từng ấy năm, anh là giảng viên dạy Mỹ thuật tại Trường Trung cấp VHNT Bình Định. Học bài bản, nhiệt huyết nghề, họa sĩ Nguyễn Văn Cần đã sớm khẳng định mình.
Trải nghiệm cảm xúc
Năm 2007, anh đã mở triển lãm cá nhân “Bóng hoàng hôn” tạo dấu ấn mạnh mẽ khi triển lãm một bức tranh ghép dài tới 30 m gồm 25 bức tranh nhỏ ghép lại thể hiện những hoạt cảnh đồng quê qua từng bước chân dọc theo con đê khi hoàng hôn dần buông xuống. Một ý tưởng khá lạ trên nền chất liệu sơn dầu. Những người quen biết họa sĩ Nguyễn Văn Cần đều dễ nhận thấy ở anh năng lượng sáng tác dồi dào, khả năng làm mới mình, làm mới những cảm xúc.
Nguyễn Văn Cần đến với tranh minh họa là một cách tìm đến những rung cảm mới cho bản thân. Anh bắt đầu vẽ minh họa truyện ngắn từ năm 2004 sau lời đề nghị từ phía Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định.
Tranh minh họa phải bám sát vào nội dung tác phẩm. Nhưng không vì vậy mà bức tranh minh họa bị khuôn cứng trong một giới hạn nào đó. Việc thể hiện nội dung tác phẩm bằng hình nét, độ đậm nhạt chưa bao giờ là điều giản đơn. Họa sĩ Nguyễn Văn Cần chia sẻ: “Vẽ minh họa, người vẽ phải đọc, phải thẩm thấu rồi từ đó chắt lọc ra những ý tưởng, nội dung căn cốt để phác thảo. Một bức tranh minh họa mà người họa sĩ chưa “nói” được ít nhất 1/3 tác phẩm, coi như chưa thành công. Tranh minh họa cũng như ô cửa gợi dẫn cảm xúc để người đọc thêm hứng thú khám phá tác phẩm”.
Tranh minh họa truyện ngắn Chạy duyên.
Niềm vui mang lại
Với mỗi truyện ngắn nhận minh họa, họa sĩ Nguyễn Văn Cần đều tỉ mỉ đọc, nghiền ngẫm và chọn cách thể hiện. Bởi theo anh, khi người ta “đặt hàng” mình vẽ, có nghĩa là họ đã “chọn mặt gửi vàng”, mình không thể làm qua loa, sơ sài mà phải chú tâm thực hiện một cách tốt nhất có thể.
“Có đơn “đặt hàng” nào từng làm khó anh?”, tôi tò mò. Anh chân thật: “Có chứ! Có những truyện, phải đọc đi đọc lại nhiều lần tôi mới nắm chắc được cốt lõi tác phẩm, thông điệp then chốt để từ đó có cách minh họa phù hợp. Ví như truyện Chạy duyên của tác giả Anh Nhật mà Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định nhờ vẽ minh họa. Chuyện tình của chàng trai và cô gái chỉ diễn ra trong không gian quán cafe có tên là Mi Bảy (E7), một hợp âm trầm… Sau nhiều hồi suy nghĩ, tôi quyết định minh họa truyện bằng cách thể hiện phong cách lập thể với góc nhìn không gian đồng hiện. Những đường nét đan chéo được xử lý đậm nhạt tạo những góc cạnh của cuộc sống, không gian trống vắng mang tính tự sự, hòa trộn cảm xúc cùng âm hưởng gam Mi Bảy, bật lên hình ảnh hai nhân vật chính trong truyện với những khắc khoải…”.
Người họa sĩ lặng thầm với tranh minh họa, ngỡ rằng ít ai để ý. Nhưng có những độc giả lại ấn tượng với tranh minh họa không kém tác phẩm. Tiến sĩ Lê Nhật Ký, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, chia sẻ: “Tôi vẫn thường chú ý đến các tranh, ảnh minh họa khi đọc tác phẩm. Theo tôi, đó là những tác phẩm nghệ thuật độc lập, đích thực, không đơn thuần chỉ để “minh họa” cho nội dung một truyện ngắn hay một tùy bút nào đó. Sự cộng hưởng giữa kênh chữ và kênh hình như vậy đã góp phần gia tăng sức hấp dẫn của tác phẩm. Ở Tạp chí Văn nghệ Bình Định, tôi có nhiều ấn tượng với những tác phẩm minh họa của Nguyễn Văn Cần, điển hình như minh họa truyện ngắn Cuộc gọi từ biển của Võ Hạnh, số 28/2015), Trăng lạnh (truyện ngắn Phạm Hữu Hoàng, số 55/2017), hay Bay (truyện ngắn Mẫu Đơn, số 59/2018)…, tôi thấy anh bộc lộ được phong cách riêng, dung dị mà không kém phần tài hoa”.
Với họa sĩ Nguyễn Văn Cần, tranh minh họa mang lại cho anh nhiều cảm xúc theo từng bước xung đột truyện, từng chi tiết dẫn dắt, những ẩn dụ thông điệp… Đồng thời, qua mỗi bức tranh minh họa, người đọc sẽ thấy được góc nhìn, cảm quan của anh đối với một tác phẩm văn chương, và cả sự chân thành, nghiêm túc trong tình yêu hội họa.
VÂN PHI