Người không chịu nhận sai
* Truyện ngắn của HỒ ĐINH VĂN (Trung Quốc)
Người làng Đại Lý đến vùng duyên hải miền Nam làm ăn có tới hàng ngàn, nhưng không ai có tiền đồ như anh thanh niên Lý Đông. Lý Đông và hơn 100 người đồng hương vào làm việc trong một nhà máy, chẳng bao lâu anh ta đã được đề bạt làm Quản đốc phân xưởng. Không ngờ, chỉ mới mấy ngày đã xảy ra một sự việc nghiêm trọng ngoài ý muốn!
Hôm đó, Lý Đông đang chỉ đạo sản xuất thì Lão Vương, Chủ tịch Công đoàn nhà máy đi đến, nét mặt khó đăm đăm, chẳng nói chẳng rằng đưa cho anh ta một bức thư. Bức thư viết:
“Lý Đông, báo cho cậu biết, tôi đã tận mắt thấy cậu giúp cho một tên lưu manh lấy cắp túi tiền của một người khác. Tuy cậu không phải là kẻ chủ mưu, nhưng rõ ràng cậu đã có hành vi sai trái. Nếu cậu bằng lòng giao cho tôi 100 tệ, tôi sẽ xin Tổng Giám đốc của cậu tha tội, không phạt cậu nữa. Nếu không, sau ba ngày, Nhà máy sẽ có cuộc họp toàn thể, tôi sẽ làm rõ chuyện này, lúc đó cậu đừng trách là tôi không khách khí! Tùy cậu chọn. Một người trung thực, biết rõ chuyện đã xảy ra”.
Lý Đông điếng người. Anh không biết người ta căn cứ vào đâu mà viết như vậy? Trên thực tế, cho tới lúc này, Lý Đông vẫn nghĩ là mình chưa hề làm chuyện đó bao giờ. Đang định truy hỏi cho ra nhẽ thì Lão Vương đã thở phì phì tức giận, hỏi thẳng:
- Lý Đông, cuối cùng thì cậu có giúp tên lưu manh lấy cắp tiền của người ta không?
- Tôi không bao giờ làm một chuyện gì tương tự như vậy.
Lý Đông còn đang định nói rõ hơn thì đã bị Lão Vương cắt ngang:
- Cậu không làm chuyện xấu, lẽ nào người ta lại vu vạ cho cậu? Cậu tự xem lại mình đi. Người ta đã viết thư tố cáo gửi trực tiếp cho tân Tổng Giám đốc nhà máy rồi đấy. Tổng Giám đốc là người nước ngoài, bà ấy rất ghét những kẻ hay ăn cắp. Tổng Giám đốc đang rất tức giận, bảo tôi làm công tác tư tưởng cho cậu. Theo tôi, cậu nên làm theo yêu cầu của người ta, đưa cho họ 100 tệ và viết bản tự kiểm điểm là ổn hơn cả.
- Ông nói sao? Có người đã viết thư tố cáo tôi gửi cho Tổng Giám đốc, vậy còn bảo tôi đưa tiền cho họ để làm gì nữa?
Bị hỏi vặn, Lão Vương bực dọc, nói:
- Cậu còn không chịu nhận lỗi hả? Tôi khuyên cậu hãy biết điều một chút, nếu không, chắc chắn cậu sẽ bị đuổi việc. Cậu phải khôn ngoan lên mới được. Ngày mai tôi sẽ gặp lại cậu - Nói đoạn, Lão Vương quày quả bỏ đi.
Sự việc bất ngờ này nhanh chóng lan ra toàn nhà máy.
Đến giờ tan tầm, bạn bè đồng hương của Lý Đông tụ tập tại nhà anh rất đông. Bất chấp mọi lời khuyên nhủ đầy tình nghĩa, Lý Đông kiên quyết không chịu nhận là mình sai, không chịu giao 100 nhân dân tệ cho người tố cáo anh. Mọi người rất lo lắng cho Lý Đông, trong số đó có cả người bác ruột của anh. Ông giận đến tím mặt, mắng Lý Đông té tát: “Lý Đông, mày giỏi lắm! Dao đã kề tận cổ mà mày còn bướng hả? Sao không chịu suy nghĩ cho kỹ. Để được làm quan, chuyện gì lại không chịu bỏ ra ít tiền cho người ta? Mất tiền, nhưng vẫn được làm quan, còn hơn là không chịu mất tiền, chẳng những không được làm quan lại còn mất luôn cả việc làm là cái chắc. Hai chuyện này khác nhau một trời một vực đấy con ạ!”.
Hôm sau, Lão Vương lại đến, vừa thấy Lý Đông đã hỏi ngay:
- Có nhận lỗi không hả?
Lý Đông cúi đầu không nói gì.
Lão Vương nói:
- Tổng Giám đốc lại vừa nhận tiếp một lá thư nũa, họ hạ thấp yêu cầu so với thư trước, chỉ cần cậu trả cho người ta 1 đồng nhân dân tệ và nói 3 từ “tôi xin lỗi” là được.
Lý Đông lại cúi đầu im lặng.
- Cậu thật mê muội, dại dột! Tối hôm qua, đồng hương của cậu đã mang tiền và bản kiểm điểm đến cho tôi nhưng tôi không nhận. Cậu cứ bướng bỉnh, cố chấp như vậy, ngày mai, trong cuộc họp toàn nhà máy, cậu sẽ thấy - Nói xong Lão Vương đùng đùng bỏ đi.
Lý Đông suy nghĩ suốt cả đêm hôm đó…
Hôm sau, hội trường nhà máy đông nghịt người. Mọi người đều mang theo một tâm trạng đặc biệt tham dự cuộc họp đặc biệt này. Ngồi ngay giữa bàn chủ tọa trên sân khấu là một phụ nữ người nước ngoài tóc vàng, mắt xanh, đó là Tổng Giám đốc mới của nhà máy. 9 giờ 30 phút. Lão Vương chủ trì hội nghị vừa tuyên bố khai mạc thì thấy Lý Ngọc Lâm, một người cùng phòng với Lý Đông hấp tấp chạy tới, thở hổn hển, nói:
- Không hay rồi! Lý Đông đã biến mất, không khéo… Ở chỗ anh ta chỉ có lá thư này.
Lão Vương nhận lá thư từ tay Lý Ngọc Lâm. Thư viết:
“Tôi đi đây. Nhưng tôi khẳng định lần nữa, tôi không hề giúp ai lấy cắp tiền của người khác cả. Tuyệt đối không!
Tôi đến từ nông thôn, là con của một nông dân chân chính. Đã bao đời nay, những nông dân chân chính chúng tôi sống trên mảnh đất này, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cuộc sống của chúng tôi tuy nghèo nàn, cực khổ thật đấy nhưng chúng tôi là những người thật thà chất phác, cần cù và lương thiện. Vì lẽ đó, chúng tôi không bao giờ là những người dễ khuất phục! Đừng nói tôi phải bồi thường 1 đồng, ngay cả 1 xu 1 hào tôi cũng không làm! Tôi nhắc lại, tôi không ăn cắp. Các bạn đồng hương của tôi, theo lời khuyên của các bạn, suýt nữa thì tôi bị khuất phục. Nhưng cuối cùng thì lương tri đã chiến thắng, sự nhu nhược, chịu đựng sỉ nhục đã phải đầu hàng! Tôi vẫn phải sống, phải tiếp tục làm ăn sinh sống, nhưng trên vai tôi lúc này đang mang nặng một cây thập tự giá. Mặc dù vậy, tôi không hề nghi ngờ rằng: mặt trời vẫn xuất hiện mỗi ngày, còn máu người thì vẫn mãi mãi đỏ tươi và ấm nóng! Tôi không hề hổ thẹn với công lao sinh thành dưỡng dục của bố mẹ, với đất đai đã từng cưu mang nuôi sống tôi và với lương tâm tôi.
Xin chào các bạn! Tôi đi đây. Lý Đông”.
Tổng Giám đốc chăm chú nghe Lão Vương đọc thư. Nghe xong, bằng một thứ tiếng Hoa chưa mấy thuần thục, bà nói:
- Đối với Lý Đông, tôi cảm thấy mình rất có lỗi. Tôi đã làm khổ cậu ta quá nhiều!
Cả hội trường kinh ngạc nhìn vị Tổng Giám đốc, không hiểu sao bà lại nói những lời lạ lùng như thế. Bà Tổng Giám đốc nói tiếp:
- Tôi có một thói quen không được hay cho lắm là thích đi xe bus. Dạo trước, một lần lên xe bus, có một thanh niên nhường chỗ cho tôi, khiến tôi rất cảm động. Trong mấy tháng qua sống ở Trung Quốc, đây là lần đầu tiên có người nhường chỗ cho tôi, tôi liền hỏi anh ta, tại sao lại nhường chỗ cho tôi. Anh ta nói, kính già yêu trẻ là truyền thống đạo đức tốt đẹp của người dân Trung Hoa chúng tôi. Vừa hay, một cách ngẫu nhiên, tôi phát hiện ra rằng, người thanh niên trẻ nhường chỗ cho tôi chính là Lý Đông, người đang làm việc dưới quyền của tôi. Để kiểm tra chắc chắn xem Lý Đông có đúng là người thành thực, có lập trường kiên định hay không, tôi đã nghĩ ra cách làm không mấy đàng hoàng này. Tôi thành thật xin lỗi Lý Đông và mọi người! - Nói đến đây, giọng bà Tổng Giám đốc như run lên, nghèn nghẹn.
Tuy nhiên, giây phút ấy qua đi rất nhanh, giọng bà trở lại dõng dạc trong tư cách một người có quyền lực đầy cá tính mạnh mẽ. Bằng giọng ra lệnh, bà Tổng Giám đốc nói với Lão Vương:
- Ông nhất định phải tìm bằng được Lý Đông về đây cho tôi. Người như cậu ấy ngày nay rất hiếm đấy. Tôi nhất định sẽ trọng dụng cậu ta!
Thoạt đầu, Lão Vương vô cùng kinh ngạc, nhưng khi hiểu rõ mọi chuyện, ông vội vàng lao xuống bên dưới hội trường bảo mấy người đang ngớ ra bên cạnh: “Các người đã nghe rõ cả chưa? Lý Đông không phải là kẻ cắp, chỉ là Lão Tổng cố ý thử cậu ta mà thôi! Hãy chia nhau đi tìm cậu ta ngay! Dứt khoát phải tìm cho bằng được Lý Đông, rõ chưa?”.
Mọi người ồn ào giải tán, vui mừng chia nhau đi tìm Lý Đông.
TRÀ LY (dịch)