SOS - Học sinh vi phạm giao thông
Mặc dù, ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở học sinh tuân thủ các quy định về ATGT, song tình trạng vi phạm vẫn có chiều hướng gia tăng. Thực tế này cho thấy, cùng với nhà trường và ngành chức năng; gia đình, xã hội phải cùng vào cuộc.
Kỳ 1: Nỗi đau & những vi phạm “nhãn tiền”
Không chấp hành luật, thiếu hiểu biết các quy định về ATGT, thiếu giám sát của gia đình... là các nguyên nhân chính dẫn đến TNGT trong lứa tuổi học sinh gia tăng.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên, làm 15 người chết và 23 người bị thương, so cùng kỳ tăng 16 vụ, tăng 11 người chết và tăng 16 người bị thương.
Học sinh không đội MBH, chạy thành hàng ngang, vượt đèn đỏ... là những hình ảnh thường thấy trên các ngả đường từ thành thị đến nông thôn vào giờ cao điểm.
- Trong ảnh: Một số học sinh Trường THPT Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn) chưa tuân thủ luật giao thông.
Những nỗi đau còn mãi
Đã 3 tuần trôi qua, song hàng ngày vợ chồng anh Đặng Văn Vinh (thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ) vẫn giữ thói quen lấy sách vở, những kỷ vật của con gái bày biện ra, rồi lại sắp xếp lại cho vơi nỗi đau mất con. Hôm đó, khoảng 15 giờ 45 phút một ngày cuối tháng 9.2018, anh Vinh nhận được hung tin con gái bị TNGT khi đang trên đường từ trường học về nhà. Anh Vinh đau đớn nói: “Khi đến hiện trường, tôi thấy xi nhan xe máy vẫn nhấp nháy, chiếc MBH còn nguyên vẹn, duy chỉ có con gái tôi đã vĩnh viễn ra đi. Giờ nhớ con, chỉ biết tự nhắc mình và răn mấy đứa còn lại phải chú ý quan sát kỹ khi tham gia giao thông”.
Được biết, vào thời điểm đó, em Đặng Thị Linh (SN 2001) đang điều khiển xe đạp điện trên đường theo hướng Đông Nam lên Tây Bắc thì xảy ra va chạm với ô tô tải do Đoàn Văn Toàn (tỉnh Nam Định) di chuyển trên QL1 hướng Nam Bắc. Hậu quả đã khiến em Linh tử vong tại chỗ.
17 tuổi, bao ước mơ, tương lai còn ở phía trước, thế nhưng giờ đây Nguyễn Phan Quang H. (huyện An Lão) chẳng khác nào đứa trẻ lên 3. Mọi việc, từ ăn uống đến sinh hoạt đều phải cậy nhờ ba mẹ. Hơn 1 năm trước, H. đã điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi và bị TNGT. Đáng buồn hơn, vì không đội MBH nên khi xảy ra va chạm, não của H. bị tổn thương nặng và hiện em phải sống thực vật. Nhìn cảnh con ruồi đậu trên mắt, nhưng em H. không tự đuổi được, khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Từ ngày H. bị nạn, mẹ em phải ở nhà chăm sóc con, kinh tế gia đình đã khó khăn càng thêm khó khăn. Mẹ H. sụt sùi: “Giá như chúng tôi không để con lái xe khi chưa có những kỹ năng cần thiết, chưa biết luật giao thông thì bây giờ đã không ân hận vì chuyện đã rồi. Chỉ mong có phép màu nào đó, giúp con khỏe hơn và mong mọi người thấy vậy mà răn mình tuân thủ luật giao thông”.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ TNGT đau lòng đã xảy ra có liên quan đến lứa tuổi học sinh mà nguyên nhân sâu xa là bởi thiếu tuân thủ quy định khi tham gia giao thông.
Nhiều kiểu vi phạm
6 giờ 40 phút một ngày đầu tháng 10, có mặt tại cổng Trường THPT Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn), phóng viên nhận thấy số học sinh không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi xe máy điện, xe đạp điện... không đếm xuể. Nhiều học sinh treo MBH ở xe, để đầu trần cứ thế di chuyển. Đáng nói, tại đây vẫn còn tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường và gửi xe bên ngoài cổng trường.
Tương tự, khảo sát tại một số trường THPT khác như: Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn), số 1 Tuy Phước (huyện Tuy Phước) và Nguyễn Trung Trực (thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ)… tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói chung và không đội MBH khi đi xe máy điện, xe đạp điện vẫn diễn ra phổ biến. Hỏi chuyện L.V.H, một học sinh THPT ở huyện Phù Mỹ, rằng có biết việc đi học bằng xe máy là vi phạm luật giao thông hay không, em này ấp úng trả lời: “Nhà trường cấm học sinh đi xe máy nhưng vì nhà ở xa nên ba mẹ giao xe cho đi học để đỡ vất vả. Em để xe ngoài đường hoặc gửi nhà dân để tránh bị nhà trường phát hiện”.
Số liệu thống kê cho thấy, trong số các đối tượng tham gia giao thông không chấp hành các quy định về ATGT thì đối tượng học sinh chiếm trên 40%. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm của các em chủ yếu là nhắc nhở, giáo dục và chỉ xử phạt đối với những trường hợp cố ý vi phạm nhiều lần, hoặc chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Có lẽ, đây cũng là lý do khiến tình trạng này có chiều hướng gia tăng. Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, CA tỉnh, cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh, tình trạng học sinh vi phạm các quy định về ATGT khá phổ biến, với các lỗi cố ý như: không đội MBH, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang trên đường, điều khiển mô tô khi chưa đủ các điều kiện tham gia giao thông, chở quá số người quy định… Đáng nói, nhiều trường hợp khi bị phát hiện, xử lý, còn cố tình khai không đúng tên họ và trường học”.
KIỀU ANH
Kỳ 2: Làm gì để khắc phục?