Ðưa nghệ thuật truyền thống vào trường học: Cần định hướng, đầu tư lâu dài
Muốn bảo tồn, phát huy được giá trị của những loại hình nghệ thuật truyền thống, điều vô cùng quan trọng là phải có thế hệ tiếp bước. Tỉnh ta có chủ trương đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học để truyền dạy cho học sinh. Thực tế, một số địa phương cũng đã triển khai. Tuy nhiên, để hoạt động này thật sự hiệu quả, cần có định hướng, đầu tư lâu dài.
Đầu tháng 4.2018, Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn tổ chức tập huấn bài chòi dân gian cho học sinh THCS trên địa bàn thành phố, nhờ đó, các em đã bước đầu tự tin biểu diễn.
Trong ảnh: CLB bài chòi Trường THCS Đống Đa thi hô hát bài chòi tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển TP Quy Nhơn tổ chức ngày 26 - 28.5 vừa qua.
Từ những kinh nghiệm...
Trước đây, ở tỉnh ta có Dự án Sân khấu học đường, triển khai từ năm 2003 tại 3 trường THCS: Quang Trung (TP Quy Nhơn), Bình Tường (huyện Tây Sơn), thị trấn Bình Định (nay là phường Bình Định, TX An Nhơn), đã đạt được nhiều thành công. Thời điểm ấy, các trích đoạn tuồng khó như Hộ sanh đàn, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Trưng Nữ Vương, Quang Trung đã được các học sinh trong dự án biểu diễn rất tốt. Tuy nhiên sau khi Dự án kết thúc, không khí lại lắng xuống và bây giờ tuồng Bình Định lại gian nan đi tìm đội ngũ kế cận.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Hòa Bình, người có nhiều tâm huyết với tuồng và Dự án sân khấu học đường ngày ấy, nói giữ gìn mà không đào tạo được lứa tiếp nối, kế thừa thì việc gìn giữ sẽ rất khó. Việc Dự án từng rất thành công mà không thể duy trì vô cùng đáng tiếc. Theo tôi, tỉnh nên trích một khoản ngân sách nhất định để đào tạo thế hệ trẻ không những tuồng mà còn bài chòi vì đây không chỉ là hoạt động đào tạo lại khán giả mà còn là nguồn cung cấp để đào tạo nghệ sĩ chuyên nghiệp sau này.
... đến tín hiệu đáng mừng
Từ năm học 2014 - 2015, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh bắt đầu tham gia bảo tồn và giữ gìn văn hóa truyền thống của người Bana. Theo thầy Từ Kim Lân, Hiệu trưởng nhà trường, khi ấy trường dành một phòng học để làm Phòng truyền thống. Cùng với đó, nhà trường mời các nghệ nhân Bana như: Yang Danh, Hơ Gớt… truyền dạy cho học sinh cách chơi một số nhạc cụ, múa, hát dân ca. Từ đó đến nay, vào các ngày kỷ niệm của trường, nhà trường đều tổ chức các cuộc thi…
Khi bài chòi được quan tâm, phục dựng, nhiều địa phương cũng tập trung đào tạo lớp khán giả, hiệu bài chòi nhí. Đầu tháng 4.2018, Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn mở đợt tập huấn bài chòi dân gian cho học sinh THCS. Sau đó, nhiều trường thành lập được CLB bài chòi, như: Trường THCS Lê Lợi, Trường THCS Đống Đa, Trường PTCS Nhơn Châu... Em Đặng Tường Huy, thành viên CLB bài chòi Trường PTCS Nhơn Châu chia sẻ: “Từ nhỏ em được xem nhiều hội đánh bài chòi nhưng chưa nghĩ khi chính mình hô câu thai sẽ như thế nào. Khi trường thành lập CLB, em đăng ký tham gia ngay, càng luyện tập em càng yêu bài chòi hơn”.
Ở huyện Hoài Nhơn, bài chòi còn vào đến trường mầm non. Để hướng dẫn cho học sinh, cùng với các nghệ nhân, chính các cô nuôi dạy trẻ cũng vừa học vừa dạy. Ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Nhơn khẳng định: Bài chòi có được bảo tồn, phát huy hay không là dựa vào đội ngũ kế cận, mà then chốt chính là các cháu học sinh.
Trong kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số tại Vân Canh, ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức truyền dạy văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống dân tộc thiểu số cho học sinh qua các chương trình ngoại khóa của học sinh trường nội trú, bán trú”. Chia sẻ quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Yang Danh cho biết: “Đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học là việc làm đầy ý nghĩa. Nếu các cháu cần ở tôi điều gì, tôi sẵn sàng truyền dạy. Ước mong của tôi là các thế hệ nối tiếp ghi nhớ tốt những giá trị truyền thống quý giá của cha ông”.
THẢO KHUY