Quá tải khách du lịch - vấn đề gây tranh cãi toàn cầu
Ngày càng có nhiều vấn đề liên quan đến du lịch khiến ngành công nghiệp không khói này không còn "xanh" nữa.
Thái Lan vừa tuyên bố đóng cửa vô thời hạn địa điểm du lịch nổi tiếng Maya Bay để phục hồi hệ sinh thái. Chính phủ các nước cũng bắt đầu chú ý hơn đến việc tìm giải pháp cho sự "ô nhiễm" của ngành công nghiệp này.
Người dân Barcelona cắm biển phản đối du khách đến quá đông. Ảnh: CNN.
Theo CNN, cuối tháng 9, Diễn đàn Ngày Du lịch Thế giới tổ chức tại Washington DC (Mỹ) đã tập hợp nhiều ý kiến của các chuyên gia.
Albert Arias Sans, chuyên gia chiến lược du lịch của Hội đồng thành phố Barcelona (Tây Ban Nha), nói: "Sự quá tải trên đường phố, sự gia tăng của thị trường bất động sản cho thuê, thái độ tiêu cực của cư dân địa phương... thực sự là các vấn đề không thể phủ nhận".
Biểu hiện của quá tải du lịch
Tại Paris, sự quá tải có thể là đám đông du khách xô đẩy nhau để chụp được một bức ảnh hay chỉ để ngắm nụ cười của Mona Lisa tại bảo tàng Louvre. Nhưng đó lại không phải là vấn đề ở thành phố cổ Machu Picchu, Peru. "Có quá nhiều người muốn vào khu vực này cùng một lúc. Cơ sở hạ tầng xung quanh thành phố không đủ để phục vụ du khách", Miginiac, diễn giả người Peru, nói.
Nhưng theo bà Maria Reynisdottir từ Tổng cục Du lịch Iceland, có rất nhiều lợi thế từ sự bùng nổ ngành du lịch, dễ thấy nhất là tác động đến nền kinh tế. "Nó cải thiện chất lượng cuộc sống của chúng tôi theo nhiều cách. Chúng tôi có thể tận hưởng thêm nhiều dịch vụ, các tuyến bay mới đến những nơi khác trên thế giới".
Tuy nhiên, đất nước này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức vào một số thời điểm trong năm. "Số lượng người quá đông tại các thắng cảnh quen thuộc, gây ra thiệt hại về môi trường và làm thay đổi thái độ của người dân với du khách", đại diện Iceland nói.
Vai trò của mạng xã hội
Nhiều chuyên gia đồng ý việc truyền thông xã hội liên quan trực tiếp đến tình trạng quá tải du lịch. "Chúng tôi thực sự muốn đất nước nhận được nhiều du khách hơn. Vì vậy, không hề xấu nếu mạng xã hội giúp đưa Machu Picchu lên bản đồ thế giới", Miginiac nói.
Tuy nhiên, Peru cũng mong muốn các điểm tham quan khác được giới thiệu trên mạng xã hội. "Machu Picchu là một địa điểm mang tính biểu tượng. Nhưng còn có quá nhiều nơi khác để xem, rất nhiều tàn tích Inca khác ít được mọi người nói tới", cô nói thêm.
Nhờ mạng xã hội, hồ Blue Lagoon ở Reykjavik, Iceland ngày càng có nhiều du khách ghé thăm. Ảnh: CNN.
Ở Iceland, sự phát triển của mạng xã hội gắn liền với sự bùng nổ du lịch của đất nước. Quốc đảo Bắc Đại Tây Dương này đã phát động chiến dịch trên mạng xã hội có tên "Cảm hứng từ Iceland" sau một vụ phun trào núi lửa lớn năm 2010. Ngày nay, Iceland vẫn sử dụng Instagram và nhiều mạng xã hội khác để quảng bá các thông điệp du lịch có trách nhiệm hơn.
Đôi khi mạng xã hội có thể biến một nơi vô danh trở thành điểm nóng. Nhưng không phải lúc nào điều đó cũng tốt. Một số thác nước ít người biết đến ở Iceland đột nhiên trở nên rất phổ biến, bởi vì một số người nổi tiếng đăng lên mạng xã hội hay đề cập nơi đó trên chương trình truyền hình. Điển hình là một số nơi đặc trưng trong phim Game of Thrones đã trở nên hút khách trong thời gian ngắn.
Nơi ăn chốn ở là một thách thức
Chuyên gia của cả ba nước trên đều đồng ý rằng tình trạng quá đông du khách ảnh hưởng đến thị trường nhà ở và cuộc sống của người dân địa phương. Chính phủ Iceland đã phải thực hiện các biện pháp để kiểm soát chỗ ở tại các khu vực đông du khách như thủ đô Reykjavik và phía nam quốc đảo. Trong đó, nổi bật là quy định giới hạn cho thuê nhà trên Airbnb 90 ngày mỗi năm; xây dựng khách sạn bị hạn chế ở một số khu vực nhất định; giảm lưu lượng xe buýt trong các khu dân cư.
Các địa điểm nổi tiếng trên thế giới luôn đầy ắp du khách. Điều này khiến cho nhiều người dân địa phương cảm thấy phiền lòng hơn là vui thích. Ảnh: CNN.
Ở Barcelona, chính quyền cấm khách sạn xây mới ở trung tâm thành phố, việc thuê nhà trên Airbnb cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Theo Miginiac, vấn đề tại Machu Picchu là sự thiếu kết nối giữa trải nghiệm của du khách và cuộc sống của người địa phương. "Một số cộng đồng xung quanh Machu Picchu không có lợi ích gì từ Machu Picchu cả", Miginiac nói.
Theo ông, nhiều đoàn khách du lịch đổ đến đây nhưng các công ty không chia sẻ lợi nhuận thu được cho địa phương. Điều đó tạo nên những xung đột xã hội với những người coi Machu Picchu là nhà của họ. "Đó là văn hóa riêng của họ, là tổ tiên của họ mà họ lại không có lợi ích gì từ nó", Miginiac nói.
Tạo ra các giải pháp dài hạn, thích nghi với tương lai là mục tiêu của chính phủ Tây Ban Nha, Iceland và các tập đoàn du lịch tư nhân tại Peru. Ba diễn giả đều đồng ý rằng việc chính phủ, người dân địa phương và các công ty du lịch làm việc cùng nhau là công thức tốt nhất để thành công. Các diễn đàn trao đổi như vậy sẽ là dịp các trung tâm du lịch khắp thế giới ngồi lại để cùng phát triển một ngành công nghiệp du lịch thực sự "xanh" hơn.
Theo Trường Đặng (VnE)