Gieo niềm hy vọng cồng chiêng...
Tối 15.10, Huyện đoàn, Trung tâm VH-TT&TT, Hội CCB huyện Vĩnh Thạnh tổ chức Hội thi các CLB cồng chiêng thanh niên Vĩnh Thạnh năm 2018. Thành công của Hội thi cho phép mọi người có thể hy vọng nhiều hơn vào sự phục hồi và hoạt động của cồng chiêng Vĩnh Thạnh.
Không khí rộn ràng tại Hội thi các CLB cồng chiêng thanh niên huyện Vĩnh Thạnh năm 2018.
Âm vang cồng chiêng
Năm 2017, khi phối hợp với Trung tâm VH-TT&TT huyện triển khai Mô hình CLB cồng chiêng thanh niên tại 4 xã: Vĩnh Sơn, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiệp, Huyện đoàn Vĩnh Thạnh đã nhen nhóm ý tưởng về một hội thi các CLB cồng chiêng thanh niên. Đến tháng 9.2017, chương trình giao lưu cồng chiêng thanh niên huyện được tổ chức với sự tham gia 3 CLB đến từ các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiệp. Năm nay, ngoài sự tham gia của 8 đội cồng chiêng đến từ 8 xã, thị trấn, Hội thi các CLB cồng chiêng thanh niên còn có mặt của đội cồng chiêng Trường Phổ thông DTNT Vĩnh Thạnh.
Mỗi đội thi có từ 20 người trở lên, bao gồm phân nửa là đội múa xoang. Mỗi tiết mục thi cồng chiêng của các đội gồm 2 phần: phần 1 là bài dân ca nhẹ nhàng, phần 2 là các bài ăn mừng như mừng lúa mới, mừng chiến thắng với âm thanh, tiết tấu sôi nổi hơn. Trong đêm, tiếng cồng chiêng hòa quyện vào nhau, đôi tay, đôi bàn chân của các cô gái nhịp nhàng, đều đặn trong điệu xoang. Những nam thanh niên với trang phục Bana Kriêm truyền thống như hòa mình vào tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang, rộn ràng, mô tả cho người xem mường tượng ra hoạt động đời sống, sản xuất của dân tộc mình.
Chị Đinh Thị Thươn, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Thạnh cho biết: Ban đầu chúng tôi cũng e dè, phần thì vì kinh phí hoạt động ít, phần vì các CLB sinh hoạt chưa lâu. Dù vậy, nhận thấy Hội thi là điều kiện để anh em giao lưu, học hỏi, khơi dậy tình yêu đối với văn hóa truyền thống nên chúng tôi quyết tâm tổ chức. Mặt khác, qua Hội thi chúng tôi mong muốn các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm hơn nữa đến văn hóa cồng chiêng nói chung và hoạt động của CLB cồng chiêng thanh niên nói riêng.
Hy vọng
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân Yang Danh, hầu hết các đội thi thực hiện khá tốt các điệu múa xoang cũng như phần đánh cồng chiêng; nhiều đội tái hiện tốt những hoạt động văn hóa, sinh hoạt của người Bana như đâm trâu, mừng chiến thắng, mời rượu... Nếu chương trình này có thể tổ chức thành hoạt động thường niên thì đó là dấu hiệu rất tích cực.
Quan sát Hội thi, điểm dễ thấy là các thành viên CLB hầu hết ở độ tuổi 18 đến 25. Họ được luyện tập, trau dồi với sự hướng dẫn của các nghệ nhân tại làng, xã. Chị Đinh Thị Biết (23 tuổi, đội múa xoang làng K8, xã Vĩnh Sơn) chia sẻ: “CLB chúng tôi được bok Đinh Chương trực tiếp truyền dạy, trước Hội thi chúng tôi cố gắng luyện tập nhiều hơn, bok Chương còn dàn dựng, sắp xếp bài biểu diễn cho chúng tôi thật mới mẻ, lôi cuốn”.
“Đây là lần đầu tiên tôi được luyện tập và biểu diễn cồng chiêng, vì vậy nên tôi phải cố gắng rất nhiều để không làm ảnh hưởng đến cả đội. Tôi rất tự hào về bản sắc văn hóa của mình. Sau này tôi sẽ tiếp tục học hỏi để có thể đánh cồng chiêng tốt hơn và tham gia giữ gìn nét văn hóa này”, anh Đinh Vơ (CLB cồng chiêng xã Vĩnh Thuận) bày tỏ như vậy.
Về kế hoạch bảo tồn cồng chiêng, chị Thươn cho biết thêm: “Sau Hội thi, chúng tôi sẽ họp đánh giá lại đơn vị nào làm tốt hoặc chưa tốt để có định hướng tháo gỡ, giúp đỡ trong việc tổ chức, hoạt động của CLB và chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục duy trì Hội thi. Dự kiến, năm sau chúng tôi sẽ xin chủ trương, kinh phí để mở lớp bồi dưỡng về văn hóa Bana, trong đó có cồng chiêng vì nhiều bạn đánh cồng chiêng nhưng không hiểu hết giá trị của nó”.
THẢO KHUY