SOS - Học sinh vi phạm giao thông
>>Kỳ 1: Nỗi đau & những vi phạm “nhãn tiền”
Mặc dù, ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở học sinh tuân thủ các quy định về ATGT, song tình trạng vi phạm vẫn có chiều hướng gia tăng. Thực tế này cho thấy, cùng với nhà trường và ngành chức năng; gia đình, xã hội phải cùng vào cuộc.
Kỳ 2: Làm gì để khắc phục?
Thực trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ xảy ra thường xuyên đòi hỏi các ngành, các cấp cần chủ động thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn nhằm khắc phục nhanh chóng và lâu dài “vấn nạn” đã báo động này.
CSGT phối hợp cùng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) xử lý những trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Xử lý mạnh hơn
Cách mà ngành chức năng huyện Phù Mỹ đang triển khai đối với các trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông là gửi thông báo về cho nhà trường. Trường nào có tỉ lệ học sinh vi phạm nhiều thì sẽ kiến nghị Sở, Phòng GD&ĐT có biện pháp xử lý cụ thể, quyết liệt hơn. Cụ thể, trong số hơn 110 trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông bị CA huyện Phù Mỹ xử lý từ đầu năm học 2018 - 2019 đến nay, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (thị trấn Phù Mỹ) có 39 trường hợp.
Ông Nguyễn Quý Chi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực, cho biết: “Đối với những học sinh vi phạm mà CA gửi thông báo, theo quy định, nhà trường sẽ giao giáo viên chủ nhiệm xử lý. Trước mắt kiểm điểm ở lớp. Nếu học sinh vi phạm có tính hệ thống thì tùy vào điều kiện của lớp và đề nghị của giáo viên, nhà trường sẽ có mức xử lý kỷ luật cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra vào các giờ cao điểm để giảm thiểu tình trạng học sinh vi phạm cũng như có biện pháp xử lý đối với các bậc cha mẹ giao xe cho con em chưa đủ điều kiện điều khiển”.
Được biết, trước đây việc xử lý vi phạm của học sinh chủ yếu là nhắc nhở, giáo dục, chỉ xử phạt những trường hợp cố ý vi phạm nhiều lần, hoặc chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Nhưng bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, đối với các trường hợp học sinh vi phạm, ngành chức năng sẽ gửi thông báo vi phạm hành chính về lĩnh vực trật tự ATGT cho nhà trường và yêu cầu nhà trường có hình thức kiểm điểm, răn đe. Ngành CA cũng sẽ theo dõi việc giáo dục, xử lý của nhà trường đối với học sinh vi phạm; đồng thời đề nghị nhà trường phải tổ chức cho phụ huynh học sinh ký cam kết không giao mô tô, xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ điều kiện. Bên cạnh đó, việc kiên quyết xử lý các trường hợp người thân giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển cũng sẽ bị cơ quan chức năng chú trọng xử lý.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong số các trường hợp bị cơ quan chức năng mời lên làm việc vì vi phạm các quy định về trật tự ATGT, có khoảng 10% số trường hợp bị xử phạt do giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện điều khiển. Anh Trần Anh K. (huyện Tuy Phước) bị cơ quan chức năng mời lên làm việc vì lỗi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, trần tình: “Vẫn biết việc giao xe máy cho con như vậy là sai, nhưng giờ cháu đi học nhiều, chúng tôi không có thời gian đưa đón. Cũng dặn cháu đi đứng cẩn thận, đội mũ bảo hiểm đầy đủ, nhưng không kiểm soát hết được. Giờ thì nghe các anh CA thông báo nó không đội mũ bảo hiểm, còn chở quá số người quy định; bản thân cũng bị phạt vì giao phương tiện cho con sai quy định, với tổng mức phạt hơn 2 triệu đồng, tôi rất ân hận”.
Cộng đồng trách nhiệm
Có thể thấy, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ là do ý thức của các em chưa cao, nhưng cũng không thể phủ nhận tình trạng phụ huynh chưa là những tấm gương để các em noi theo. Theo ghi nhận tại nhiều trường cấp I, II trên địa bàn TP Quy Nhơn, nhiều trường hợp phụ huynh đi xe máy có đội mũ bảo hiểm, còn con ngồi phía sau thì không; lại có trường hợp chở 3 người mà phụ huynh là người điều khiển phương tiện.
Theo ông Nguyễn Quý Chi, lứa tuổi học sinh trung học đang phát triển mạnh về tâm - sinh lý với nhiều biểu hiện khác thường và hầu như chưa ý thức được hành động của bản thân. Trong khi đó, nhiều trường hợp gia đình, phụ huynh - nơi có trách nhiệm chính và chiếm phần lớn thời gian trong việc quản lý các em ngoài nhà trường - lại chưa thực sự quan tâm đến đời sống, sinh hoạt, học tập của con em mình; thậm chí còn nuông chiều, gián tiếp tiếp tay cho những thói quen tùy tiện và những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong lứa tuổi này…
Có thể nói, gia đình là trường học đầu tiên của trẻ về việc tham gia giao thông an toàn. Chính vì thế, phụ huynh cần giáo dục con em mình ý thức chấp hành Luật Giao thông từ nhỏ. Chị Trương Thị Thận (Phù Mỹ), mẹ của một nạn nhân tử vong do TNGT, bùi ngùi: “Từ trường hợp của gia đình mình, tôi nghĩ hơn ai hết, phụ huynh phải là tấm gương chấp hành pháp luật về giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông để con trẻ noi theo”.
Chủ đề ATGT năm nay là “An toàn giao thông cho trẻ em”. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã phối hợp tổ chức khá nhiều chương trình ATGT cho lứa tuổi này như “ATGT cho nụ cười trẻ thơ”, “Kỹ năng lái xe an toàn”...
Song song với công tác tuyên truyền, trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng phòng CSGT, CA tỉnh, cho biết: “Lực lượng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà trường và chính quyền địa phương để điều tiết giao thông ở những khu vực ngoài cổng trường trong các khung giờ cao điểm. Đồng thời, xử lý nghiêm các phương tiện đỗ sai quy định, xử lý triệt để các lỗi vi phạm của học sinh. Bên cạnh đó, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động mọi người tham gia giao thông bảo đảm trật tự, an toàn”.
Có thể nói, để ngăn chặn những hành vi vi phạm khi tham gia giao thông của mọi người nói chung và học sinh nói riêng, rất cần sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội; đặc biệt là giáo dục ý thức tự giác của chính các em học sinh.
KIỀU ANH