Học tập suốt đời: Đại học phải thay đổi để thích ứng
Các trường đại học (ĐH) phải thích ứng, thiết kế lại mô hình hoạt động theo hướng mở rộng về đối tượng học tập, xây dựng các chương trình đào tạo linh hoạt về thời gian tiết kiệm chi phí, hiệu quả, thường xuyên; chủ động tìm đến cộng đồng, doanh nghiệp.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT, nhiều trường ĐH khu vực phía Bắc… dự hội thảo. Ảnh: VGP/Đình Nam
Đây là một trong những ý kiến được nêu lên trong hội thảo “Vai trò của trường ĐH với việc học tập suốt đời của người lớn”, tổ chức sáng 16.10, tại ĐH Sư phạm Thái Nguyên.
Tham dự hội thảo có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo Bộ GD&ĐT, nhiều trường ĐH khu vực phía Bắc…
Trong phát biểu đề dẫn, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Giáo dục ĐH có nhiệm vụ quan trọng là tạo cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, tạo điều kiện và sẵn sàng cập nhật kiến thức, kỹ năng thường xuyên theo mọi nhu cầu của xã hội. Cuộc cách mạng số sẽ gạt tất cả những ai kém hiểu biết, không chịu học tập sang một bên.
Những đối tượng có nhu cầu học tập suốt đời, theo bà Nguyễn Thị Doan, không chỉ là những người đang làm việc, mà cả những người đã nghỉ hưu, cán bộ giảng viên ĐH, sinh viên vừa tốt nghiệp… Vì vậy, hệ thống giáo dục học tập suốt đời phải mở về không gian, đối tượng, tài nguyên giáo dục và cơ hội học tập.
Các tham luận, ý kiến tại hội thảo đã tập trung vào trả lời cho câu hỏi làm thế nào để trường ĐH phục vụ tốt nhất cho nhu cầu học tập suốt đời của mọi đối tượng, thu hút người học thông qua các chương trình học tập hấp dẫn ở mọi nơi, mọi lúc, trong trường ĐH, các trung tâm học tập, ngay tại doanh nghiệp.
GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu các vấn đề cơ bản để trường ĐH cần quan tâm để tạo tính mở cho mọi đối tượng tham gia học tập. Đó là trường ĐH phải liên kết giảng dạy với nghiên cứu khoa học và sản xuất, chia sẻ tri thức gắn với các cộng đồng dân cư, tổ chức học tập tại nơi làm việc, mở rộng đối tượng đào tạo, tiếp tục cập nhật kiến thức cho sinh viên đã tốt nghiệp…
Từ thực tiễn hoạt động, GS.TS. Phạm Hồng Quang (Giám đốc ĐH Thái Nguyên) nhận xét, những năm gần đây có sự thay đổi về cơ cấu nguồn tuyển sinh chuyển dịch dần sang giáo dục nghề nghiệp. Do đó, các trường ĐH phải thích ứng, thiết kế lại mô hình hoạt động theo hướng mở rộng về đối tượng học tập (không chỉ có học sinh tốt nghiệp THPT), xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn; bồi dưỡng năng lực cho mọi đối tượng vừa sức, linh hoạt về thời gian tiết kiệm chi phí, hiệu quả, thường xuyên; chủ động tìm đến cộng đồng, doanh nghiệp.
“Đây là cơ hội cho học tập suốt đời phát triển, mọi người lớn không mất đi cơ hội thụ hưởng giáo dục ĐH. Đồng thời, các trường ĐH thể hiện được vai trò dẫn đường cũng như đáp ứng yêu cầu thị trường lao động”, ông Quang bày tỏ.
Thống kê của ĐH Mở Hà Nội do GS.TS. Trương Tiến Tùng công bố cho thấy, nhu cầu học tập của người cao tuổi không hề nhỏ khi 501 sinh viên trên 50 tuổi đang theo học tại trường; tỷ lệ sinh viên từ 25-50 tuổi cũng chiếm trên 84%. Vấn đề cần phải bàn là môi trường để những người đi làm và cả những người đã nghỉ hưu có thể học tập thuận lợi, trong đó ứng dụng công nghệ giữ vai trò rất quan trọng để chia sẻ tài nguyên giáo dục, xây dựng mạng lưới học tập, quản lý và đánh giá trực tuyến.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Bùi Xuân Nhàn, Phó Hiệu trưởng ĐH Thương mại cho rằng, hiện nay nhu cầu tập của người lớn, không ít người đã chuẩn bị về hưu, ngày càng rõ ràng. Bản thân ông Nhàn đã từng hướng dẫn nghiên cứu sinh khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ thì cũng nhận quyết định nghỉ hưu; hay có những sinh viên 52-53 tuổi cho biết, học ĐH, sau ĐH để khởi nghiệp. Điều đó cho thấy nhu cầu rõ ràng trong học tập của người lớn tuổi
Nhiều ý kiến tại hội thảo thống nhất nhận định yêu cầu của nền kinh tế kết nối, học tập và học tập suốt đời là con đường duy nhất để phát triển bền vững, là chìa khóa của mọi thành công.
Các trường ĐH phải có chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu; có môi trường giáo dục tốt tạo điều kiện và cơ hội học tập cho tất cả mọi người; có giáo trình đa dạng, các chuyên đề luôn cập nhật tri thức mới; các loại chương trình học tập linh hoạt cho thời gian vài ngày, 1 tuần, 1 tháng, 1 năm cho người học cần chứng chỉ cũng như không cần chứng chỉ; các loại chương trình liên doanh, liên kết với các trường ĐH trong, ngoài nước, với các doanh nghiệp… giúp người học khai thác, cập nhật kiến thức khi đang ở bất cứ đâu.
Đây cũng là yêu cầu của hệ thống giáo dục mở linh hoạt, liên thông với môi trường bên ngoài, tăng cơ hội tiếp cận tri thức cho mọi người. Theo đó các trường ĐH cần mở rộng liên kết đào tạo, tăng tính thực tiễn nhiều hơn trong chương trình đào tạo, tham gia tích cực hơn vào hệ thống giáo dục thường xuyên, các trung tâm đào tạo, các trung tâm học tập cộng đồng.
Theo Đình Nam (Chinhphu.vn)