NHÂN KỶ NIỆM 88 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM (20.10):
Người mẹ Vĩnh Thạnh
Bùi Thị Xuân Mai
Người mẹ ấy là Liệt sĩ Bùi Thị Thanh, nguyên là Hội trưởng Hội phụ nữ Giải phóng Căn Cứ đầu tiên của tỉnh Bình Định. Bà là mẹ của ông Nguyễn Trung Tín, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định và Bí thư Tỉnh Lâm Đồng.
Tháng 5 năm 1976, sau giải phóng, ổn định công việc, lần đầu tiên anh ba Tín mới tổ chức được bữa giỗ mẹ. Lần “giỗ đầu” đó cách ngày cô tôi mất đã 7 năm. Đó là vào năm 1969, người đã trút hơi thở cuối cùng trên rừng núi Tu kơ rông thâm u, cơ sở kháng chiến của huyện ủy Vĩnh Thạnh vì những di chứng do những đòn khảo tra hiểm độc của kẻ thù.
Bà Bùi Thị Thanh - Hội trưởng Hội phụ nữ căn cứ
Đã bốn mươi chín năm cô Hai đi xa, nhưng mỗi lần đứng trước di ảnh của cô lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động. Những câu chuyện được nghe kể về cô Hai luôn khắc sâu trong tâm khảm tôi, như những trang sách, lần giở…
Anh Ba Nguyễn Trung Tín kể. Lần cuối cùng anh được gặp mẹ là vào cuối năm 1969. Lúc đó tuy hơn 60 tuổi nhưng mẹ đã rất yếu, được anh em đưa lên nằm ở bệnh viện căn cứ ở O1- O2 - Kơ Tâng giáp huyện An Lão, vùng đầu nguồn sông Kôn, tiếp giáp với tỉnh Gia Lai. Ở đây mẹ được anh chị em chăm sóc tận tình, chu đáo.
Bữa đó, mẹ chỉ ngồi một chỗ nói chuyện. Chiếc gậy mây rừng đặt ở đầu giường làm bạn với mẹ tự khi nào đã lên nước láng bóng. Mình mẹ gầy xác ve, nhưng trí nhớ, nói năng vẫn minh mẫn, lưu loát. Mẹ vừa nói vừa cười nhắc chuyện “ngày xưa, rất xưa”…
*
Mẹ là một phụ nữ nông thôn ở xã Bình Quang cũ (nay là xã Vĩnh Thịnh) của huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Có lẽ được trời phú cho bản tính thông minh, tháo vát nên bà thường được bà con lối xóm khen “miệng bằng tay, tay bằng miệng”. Với truyền thống của vùng quê làng Cây Dừa buôn bán sầm uất tự thuở xưa, được gia đình truyền lại “phi thương bất phú”, nên « muốn phú » việc chính của mẹ bấy giờ là buôn bán kiếm tiền và tậu ruộng. Từ ít mẹ tích thêm nhiều; rồi ruộng mẹ đẻ ruộng con, nhà cửa ngày càng khang trang, khá giả.
Là gia đình địa chủ nhưng mẹ vẫn tham gia công việc đồng áng. Mẹ vừa làm ruộng vừa chăn tằm ươm tơ để nuôi các con ăn học.
Ham làm giàu là một bản tính của mẹ. “Giàu hay mần…”, dân gian nói vậy, nghiệm ở mẹ cũng thật đúng. Sáng sớm, hàng xoài im phăng phắc, không gian còn là một màn đen mờ mờ sương, mẹ đã lo ra săm soi đám ruộng. Trưa, chiều mẹ bươn chải mải miết với mấy quầy vải ở Đồng Phó, Phú Phong cách nhà gần chục cây số; thoắt cái, tối lại về nhà ươm tơ, kéo kén… Mẹ quyết chí làm giàu là để “giành cho con, cháu, sau này chúng nó nở mày nở mặt với người ta…”
Vậy mà khi Cách mạng Tháng Tám đến, cũng là lúc tư tưởng của mẹ bắt đầu xoay chuyển cả. Ánh sáng ngọn lửa cách mạng đã soi rọi, dắt dìu người dân đứng lên đánh đổ bọn cướp nước và bán nước, giành độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân, cho đất nước. Lý tưởng cao đẹp đó đã nâng bước chân mẹ vượt qua mọi trở lực. Hàng chục mẫu ruộng đất tích lũy được là cơ sở để gọi mẹ là « địa chủ », mẹ đã hiến hết cho Chính phủ, nên bà được trở thành « Địa chủ kháng chiến ». Bà đã sẵn sàng hy sinh tất cả của cải, cuộc đời và những đứa con cho sự nghiệp cách mạng. Sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chốn lao tù hà khắc của địch cũng không thể nào lay chuyển được ý chí của bà.
Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Đất nước Việt Nam bị tạm chia làm hai miền. Hòa bình được lập lại ở Miền Bắc. Phe đối phương tạm chiếm Miền Nam; quy định sau hai năm, đến ngày 20 tháng 7 năm 1957, hai miền sẽ tổ chức Tổng tuyển cử, thống nhất đất nước.
Hiệp Định Giơ-ne-vơ chưa ráo mực đã bị phe đối phương xé bỏ. Chúng đã ra sức trả thù, đàn áp, bỏ tù, bắn giết rất dã man, tàn ác đối với những người kháng chiến cũ. Ông Nguyễn Trung Tín - con của mẹ - không đi tập kết ra Bắc, mà tình nguyện “Ở lại” bám trụ quê hương, lên rừng núi nằm vùng, tiếp tục cùng các đồng chí lãnh đạo đồng bào quê hương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Còn mẹ là cơ sở hợp pháp của cách mạng.
Lúc bây giờ ở trong huyện, có tên Háo là cơ sở của ta đã phản bội khai báo cho địch, nên một số cán bộ cách mạng như ông Lương Gia, ông Huỳnh Thanh Minh… cùng nhiều anh em cơ sở bị địch bắt, chúng tra tấn, đánh đập dã man rồi đày ra Côn Đảo. Các cơ sở cách mạng của Bình Quang lúc đó cũng bị địch « quét » gần hết, còn lại một mình mẹ. Chúng nhiều lần bắt mẹ truy bức và thuyết phục dụ dỗ bà nhận thư chiêu hồi gọi ông Nguyễn Trung Tín « về với quốc gia ».
Chị Hai Nữ - chị của ông Nguyễn Trung Tín, kể : Mẹ đoán biết được âm mưu của địch, chúng truy bức hòng làm nhụt ý chí của hai mẹ con, nên mẹ gặp tôi động viên, dặn dò rất kỹ:
- Hai mẹ con mình tham gia cách mạng, chắc bọn địch không bao giờ buông tha, chịu thua mình; chúng cần phải bắt cho được em con. Chúng có thể tra tấn đánh đập mẹ nhiều hơn nữa, nhưng con đừng lo cho mẹ. Con phải kiên gan, không được vì thương mẹ mà nản lòng…
Lúc đó chị Hai Nữ cũng là cơ sở của An ninh tỉnh đồng thời là cơ sở của Ngân hàng tỉnh, trong đường dây quyên tiền, đổi tiền cho cách mạng.
Sau nhiều lần bị địch bắt nhưng không có chứng cứ, chúng thả mẹ ra. Lúc đó mẹ không làm ruộng nữa mà chỉ buôn bán vải để tiếp tục hoạt động.
Ông Nguyễn Trung Thành - một thành viên trong « tổ ba ba nứt nhánh » với mẹ kể về mẹ hoạt động hợp pháp trong vai một người bán vải dạo. Nay mẹ giả bán vải ở nhà này, mai mẹ bán vải ở nhà khác để liên lạc, móc nối, xây dựng cơ sở cách mạng trong thôn, xóm. Nhiều lần mẹ đến nhà cơ sở tuyên truyền vận động chống địch dồn dân, lập ấp với cớ “đòi nợ tiền mua vải”. Từ ngoài ngõ, hàng xóm láng giềng đã nghe tiếng mẹ mắng sa sả:
- Ớ con mẹ M. mày mua vải của tao sao mày không chịu trả tiền; cứ hẹn rày hẹn mai; mày định ăn quỵt tao hử? Hôm nay tao đến, mày không trả, tao phá nhà cho coi!…
Lúc ở nhà khác, mẹ lại bù lu bù loa: “Bớ làng xóm ơi, vô đây mà coi, làm ăn như vầy có tức chết không ?…; rồi hàng xóm thấy bà trong nhà “người mắc nợ” quày quả đi ra, tay ôm bọc vải, miệng không ngớt chửi rủa…
Cứ thế, bằng nhiều cách “đóng kịch” thông minh, sáng tạo, lúc ngọt nhạt, lúc giữ giằn, mẹ hoạt động khắp làng trên xóm dưới mà bọn địch không cách gì cấm đoán được. Mẹ cũng thường lấy cớ “tôi cũng là địa chủ như các ông” để đánh lừa địch, để chúng hy vọng một ngày nào đó bà sẽ nghe theo chúng…
Với cách “tương kế, tựu kế” mẹ đã hoạt động qua mắt địch như thế.
Vì mục đích của địch là phải bắt được người con trai của mẹ - một « tên cộng sản nằm vùng lợi hại » - chúng lại dụ dỗ :
- Thôi chuyện bà làm gì, chúng tôi không nói đến nữa, chúng tôi không làm phiền bà nữa. Bây giờ bà nhận giúp chúng tôi cái thư gọi ông Tín về. Nếu bà gọi ông Tín về, chúng tôi sẽ cho mẹ con bà đoàn tụ, được sống sung sướng…
- Tôi cũng muốn sống sung sướng, chứ ai lại muốn sống khổ. Nhưng tôi không biết nó ở đâu. Mẹ cười, trả lời tỉnh queo.
Một lần khác, chúng lại đưa thư cho mẹ chiêu hồi con trai, mẹ nói:
- Các ông muốn đưa thư cho nó thì đưa, các ông biết chỗ nó ở, chứ tôi già cả có đi được tới đâu, biết nó ở chỗ nào mà đi kêu. Nếu biết tôi đã khai với các ông rồi. Tôi địa chủ như các ông, nó khác tôi!”.
Chúng nói nữa, mẹ cũng chỉ một mực: “Tôi bán vải, đâu có biết gì!”.
Ngọt nhạt dụ dỗ không được, chúng « triệu hồi » mẹ lên quận. Tên quận trưởng Thái Qưới mặt hằm hằm, truy:
- Con bà mấy người? Nó ở đâu?
- Có một đứa đi tập kết ngoài Bắc. Mẹ trả lời một cách tự nhiên.
- Nó « ở lại » nằm vùng, bà có biết không ?
- Tôi chỉ biết nó nói với tôi là nó đi tập kết. Các ông cũng đã biết cả rồi, tôi thành phần địa chủ, con tôi là cộng sản. Quốc gia là địa chủ, tôi cũng địa chủ như các ông. Con tôi làm cộng sản kệ nó, tôi làm sao biết được, tôi không theo nó.
- Nếu con bà về xin bà thứ này thứ nọ, bà có tiếp tế không?
- Có chứ! Dù tôi và nó tư tưởng khác nhau nhưng nó là con mình sinh ra. Con xin mà mẹ nào không cho. Nếu nó xin, phải cho chứ!
Bọn địch không ngờ bà lại trả lời như vậy. Và dù không có chứng cớ gì, chúng vẫn tiếp tục tra khảo đánh đập mẹ.
Khi bọn địch thực hiện chiến dịch “tố cộng”, “khủng bố điển hình” chúng bắt mẹ tra tấn, đánh đập hành hạ mẹ giữa Chi cuộc công an nha lỵ Vĩnh Thạnh để uy hiếp tinh thần quần chúng và bắt mẹ phải khai chỉ chỗ con trai ở. Chúng đã dùng móc sắt treo mẹ lên đến rách miệng; chúng lại trói chặt mẹ rồi bỏ trong rọ heo, phơi nắng suốt nhiều ngày.
Chúng tra tấn mẹ bầm mình, dập mẩy, tóe máu, mẹ không sợ, mẹ sợ gì cái nắng chang chang. Mẹ nhất quyết không khai gì và lúc thì chửi bới bọn chúng, lúc thì rên, nhưng vẫn một mực nói:
- Tôi không biết. Tôi là địa chủ, tôi không theo cộng sản. Các ông đánh tôi như các ông đánh cha mẹ các ông.
Bà Ngô Thị Thành, cán bộ Hội phụ nữ giải phóng tỉnh, sau này là Hội phó Hội Phụ nữ tỉnh Bình Định, cũng cho biết, lần mẹ bị bắt giam tại Bình Khê với một số người trong xã, có người bị đánh đập không chịu nổi khai ra mẹ. Mẹ liền chỉ mặt, tấn công:
- Mày mua vải mắc nợ tao, mày không chịu trả. Bây giờ mày tính khai bậy cho tao để quỵt nợ phải không? Đồ ăn cướp!
Mẹ bị chúng treo lên tra tấn.Trong đau đớn, mẹ không hề khai mà còn tuyên truyền lại:
- Tôi là địa chủ, cộng sản loại tôi ra rồi. Mấy chú bị đánh đau ráng chịu, chứ đừng khai bậy khai bạ, cọp vật chết!
Anh Nguyễn Trung Thành còn kể. Một lần tôi bị địch bắt do mất cảnh giác, bị chúng bắt giam tại cuộc Đồng Phó. Hai ngày sau tôi thấy cô cũng bị chúng đưa vào đây. Hằng đêm, chúng tôi bị chúng hỏi cung. Bọn nó hỏi cô:
- Bà tiếp tế cho con bà quần kết phải không? Bà hoạt động, tổ chức được bao nhiêu cơ sở?.
- Các ông coi lại đi - tiếng cô nói rắn rỏi - các ông lầm rồi! Tôi thành phần địa chủ, tôi theo các ông, không theo cộng sản. Đáng lẽ các ông bảo vệ tôi chứ sao các ông lại vu cho tôi vậy? Thằng Tín con tôi nó bỏ nhà đi từ hồi hai mươi tuổi đến giờ, tôi biết nó ở đâu mà tiếp tế! Nó là cộng sản, tôi là địa chủ. Nó khác, tôi khác! Sao các ông hỏi kỳ dữ vậy?… Sao các ông không biết bảo vệ người của mình?…
Mẹ nói một thôi, không để chúng hỏi, mà ngược lại mẹ lại hỏi chúng tới tấp.
Mấy ngày sau hai cô cháu lại “gặp nhau” trong lao giam cứu của Ty Công an Bình Định. Ở đây một lần nữa tôi lại được nghe cô đối đáp với bọn địch hỏi cung :
- Bà có biết bà có tội gì mà được mời tới đây không?
- Tôi chỉ có tội thiện chí với quốc gia!
- Con bà là ai?
- Con mẹ Nữ và cha thằng Khanh! (gọi tên cháu thay con)
- Bà có biết con bà làm gì không ?
- Con gái buôn bán làm ăn.
- Bà có liên lạc với ông Nguyễn Trung Tín không ?
- Các ông coi lại cho kỹ. Con tôi nó đi biệt, tôi biết nó ở đâu mà liên lạc. Hồi trước nó còn bảo tôi hiến ruộng cho nông dân, giờ tôi trắng tay không còn gì cả mà còn bị các ông bắt lên bắt xuống. Tôi thành phần địa chủ như các ông, các ông bắt tôi, đánh tôi là các ông bắt lầm, đánh lầm người của các ông đó, coi chừng làm ảnh hưởng cả chế độ quốc gia!
- !?
Nghe cô nói vậy, hình như viên thư ký ghi khẩu cung cứng tay, không biết viết làm sao, nó trố mắt, cứ trên mặt bà mà ngó… vì những câu trả lời của cô quá bất ngờ đối với chúng. Từ thế bị động cô đã dùng lý lẽ chuyển sang thế tấn công, làm chúng phải đuối lý.
Trước khi hỏi cung cô, chúng cũng đem đặt trên bàn nào là kềm điện, dao búa chạm vào nhau rổn rảng để đe dọa. Nhưng lần ấy chúng không đánh cô. Chúng cũng biết bà thuộc « thành phần địa chủ »… nhưng không biết chúng có sợ “lầm” và “sẽ ảnh hưởng chế độ quốc gia” như bà nói chăng?.
Rồi mấy ngày sau nữa, hai cô cháu lại bị chúng đưa vào giam ở nhà lao của tỉnh ở số 9 đường Đào Duy Từ. Trong nhà lao cô thường nói xa xôi nhắc nhở mọi người giữ vững ý chí:
- Bà con cố gắng giữ gìn. Mụt mọc lở lưng, uống thuốc thì lành chứ lở miệng là không lành được mà còn bị thiệt thân!
Đầu năm 1958, địch quyết truy bức mẹ đến cùng. Bọn chúng - cả Mỹ và ngụy - lập “chuyên án đặc biệt”, lần thứ ba chúng buộc mẹ phải nhận thư chiêu hồi con trai, nếu không nhận, chúng sẽ lên kế hoạch thủ tiêu bà.
Một hôm, một lũ đầu trâu mặt ngựa năm bảy thằng, có cả thằng Mỹ cao to, nói tiếng Việt rất sõi xông thẳng vào nhà khi mẹ đang cuộn từng xấp vải. Thằng Mỹ cùng một thằng nữa kéo tay mẹ ra sau vườn khống chế:
- Bà phải đưa thư gọi ông Tín về với quốc gia. Hạn trong vòng một tháng, bằng không, tính mạng bà sẽ không còn!
- Các ông biết thằng Tín ở đâu, các ông đi mà tìm. Tôi không biết, không nhận thư từ gì cả. Nó là cộng sản, tôi là địa chủ! Không còn liên quan gì. Mẹ dứt khoát, kiên quyết không nhận thư chiêu hồi của chúng.
Hồi đó mẹ là cơ sở hoạt động hợp pháp của đồng chí Huỳnh Trịnh, Bí thư Huyện ủy Bình Khê. Việc Mỹ ngụy đưa thư, khống chế, mẹ đều báo cáo cho ông Trịnh biết, để lãnh đạo nắm tình hình và cho ý kiến chỉ đạo đấu tranh.
Không có cớ gì buộc tội mẹ, và cũng không mua chuộc được bà chiêu hồi con trai, chúng đành phải sử dụng “nước” cuối cùng là thả bà ra để …bí mật thủ tiêu.
Đồng chí Huỳnh Trịnh biết mẹ bị lộ, nguy hiểm đến tính mạng đã quyết định rút mẹ lên căn cứ, không để hoạt động hợp pháp nữa.
Lên căn cứ, với ý chí kiên cường và tình thương bao la mẹ đã tiếp thêm nguồn sức mạnh để con trai là ông Nguyễn Trung Tín, lúc này là Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh đã cùng anh em tổ chức cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh thắng lợi vào ngày 6 tháng giêng năm 1959.
Hội phụ nữ căn cứ của tỉnh được thành lập vào cuối năm 1960, tại làng Tu Kơ Roong - Vĩnh Thạnh. Ban chấp hành có sáu người, mẹ Bùi Thị Thanh được cử làm Hội trưởng. Hội phụ nữ căn cứ là tổ chức tiền thân của Hội phụ nữ Giải phóng tỉnh Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ. Bà đã dốc lòng cùng các mẹ, các chị trong Ban chấp hành thực hiện nhiệm vụ chính của Hội là tổ chức, động viên chị em tham gia xây dựng và bảo vệ căn cứ, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống, tuyên truyền thực hiện các chủ trương chính sách của đảng trong đồng bào, tích cực phát triển cơ sở cách mạng trong quần chúng…
Sang đầu năm 1963, tại Đại hội lần thứ nhất Hội phụ nữ Giải phóng tỉnh Bình Định, bà Nguyễn thị Thế Ngân được bầu làm Hội trưởng, mẹ Bùi Thị Thanh được bầu làm hội phó.
Thấy sức mẹ ngày càng suy sụp, tổ chức đề cập đến việc “đưa mẹ ra miền Bắc chữa bệnh, điều dưỡng”, mẹ nói một cách nhẹ nhàng, giản dị “con tôi và các anh em ở trong này gian khổ, tôi ra Bắc làm gì”. Anh em thủ thỉ cách gì mẹ cũng nhất quyết nói: “Mẹ ở lại với các con”.
Cuối năm 1969, mẹ Bùi Thị Thanh vĩnh viễn đi xa do những di chứng từ đòn roi tra tấn hiểm độc trong lao tù của kẻ địch. Mẹ đã được Nhà nước công nhận là Liệt sĩ.
Mẹ Bùi Thị Thanh ở Vĩnh Thạnh là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, đã hiến dâng cả cuộc đời mình cùng những người con ưu tú cho cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. Mẹ là một trong những người phụ nữ tiêu biểu của Bình Định xứng đáng với Danh hiệu tám chữ vàng cao quý mà Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã tặng cho phụ nữ Việt Nam « Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang ».
B.T.X.M