Lãnh đạo ngành du lịch “phát ngôn chính thống” về tour 0 đồng
Chiều 16.10, tại cuộc họp tổng kết tình hình du lịch 9 tháng năm 2018, lần đầu tiên lãnh đạo ngành du lịch có những "phát ngôn chính thống," đầy đủ nhất về vấn đề gây bức xúc dư luận thời gian qua: tour 0 đồng (một trong những biến tướng của tour giá rẻ).
Khách quốc tế thích thú khám phá thành phố biển Nha Trang. (Nguồn ảnh: Evason Ana Mandara)
Nhận diện tour giá rẻ
Theo đánh giá tổng kết từ phía Tổng cục Du lịch, việc tổ chức, quảng bá để bán tour 0 đồng thường chỉ áp dụng được cho một số phân khúc thị trường, nhóm khách có thói quen đi theo đoàn và chi tiêu nhiều vào việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ ngoài tour.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ Trưởng Vụ Lữ hành cho rằng, về bản chất, tour du lịch giá rẻ là hình thức cạnh tranh bằng giá trong hoạt động kinh doanh của thị trường. Theo đó, giá tour thường thấp do sử dụng dịch vụ tối thiểu tại điểm đến, hoặc các doanh nghiệp lữ hành tiết kiệm chi phí tour bằng cách tận dụng cho khách nghỉ đêm trên các phương tiện vận chuyển đêm…
Tham gia những tour giá rẻ, du khách thường được khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ khác như mua sắm, thăm quan, vui chơi giải trí, ăn uống… Điều này giúp tái phân bổ lợi nhuận giữa các công ty lữ hành, hãng hàng không và các cơ sở dịch vụ tại điểm đến, nhằm đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia cung ứng chuỗi giá trị phục vụ khách du lịch giá rẻ.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, tour giá rẻ thường dễ nhận diện dưới một số hình thức, như các doanh nghiệp lữ hành tổ chức gom khách thành các đoàn lớn dưới hình thức bán buôn để được hưởng chính sách ưu đãi về giá cũng như các hỗ trợ khác từ các hãng vận chuyển, cung ứng dịch vụ, nhờ đó giá tour được giảm đáng kể.
Với các chuyến bay thuê bao nguyên chuyến để vận chuyển khách du lịch, do đặc điểm toàn bộ số chỗ trên máy bay đã được mua trước trọn gói, nếu không bán được thì cũng không thể giữ chỗ nên sau khi tính toán điểm hòa vốn các công ty lữ hành buộc phải bán các tour giá rẻ với mức giá vé máy bay thấp hoặc bằng không.
Ngoài ra, tour cho khách đi ngắn ngày, lữ hành tiết kiệm tối đa chi phí bằng cách cắt giảm hành trình, ép khách vào các điểm mua sắm khép kín chỉ phục vụ riêng khách đi theo tour giá rẻ với hàng hóa chất lượng thấp nhưng giá cao gấp nhiều lần giá trị thực.
Riêng dạng tour giá rẻ đi theo đường bộ vào Việt Nam, phía công ty lữ hành của nước bạn vẫn thu tiền của khách nhưng bán lại khách cho công ty du lịch hoặc hướng dẫn viên của Việt Nam với giá rẻ hoặc bằng 0 đồng. Vì vậy, các công ty du lịch Việt Nam hoặc hướng dẫn viên phải lấy chi phí mua sắm, sử dụng dịch vụ của khách để bù đắp chi phí cho các dịch vụ cơ bản theo chương trình đã ký kết.
Tuy nhiên, thực tế nảy sinh phức tạp và một trong những biến tướng của tour giá rẻ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch được biết đến thời gian qua là tour 0 đồng.
Nhìn từ “hai phía”
Nhìn bề ngoài, nhiều người cho rằng tour giá rẻ không tạo ra nhiều giá trị, nhưng thực chất ông Nguyễn Quý Phương khẳng định, do khách du lịch vẫn phải chi trả cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, thăm quan, vận chuyển và các dịch vụ khác tại điểm đến. Do đó, dạng tour này vẫn tạo ra doanh thu, việc làm, kích thích sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ dịch vụ và hàng hóa cho địa phương.
Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, tour du lịch giá rẻ chính là đòn bẩy tăng khả năng thu hút khách của các hãng hàng không, duy trì ổn định các đường bay. Bởi nó góp phần làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách mùa thấp điểm còn các nhà đầu tư du lịch có nguồn thu ổn định, thu hồi vốn, duy trì và đem lại doanh thu cho điểm đến.
Xét theo khía cạnh tích cực là vậy, nhưng thực tế mặt trái của tour giá rẻ đã khiến thị trường du lịch trong nước thời gian qua trở nên… nhem nhuốc, xấu xí và tai tiếng.
Do quản lý lỏng lẻo, thiếu hiệu quả nên tour giá rẻ đã làm xấu hình ảnh của điểm đến. Chính việc kiếm doanh thu từ mua sắm hàng hóa, dịch vụ ngoài tour để bù đắp cho chi phí tổ chức đã tạo sức ép và gánh nặng lớn cho các công ty lữ hành gửi khách, nhận khách và quản lý điểm đến. Không quản lý được nguồn thu này dẫn đến mất kiểm soát doanh số và thất thu thuế.
Bên cạnh đó, trong thời đại 4.0, khách du lịch thường giao dịch thanh toán trực tuyến (thông qua thiết bị chấp nhận thẻ là máy POS, thanh toán bằng QR code, các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh…) mà không thông qua hệ thống ngân hàng nên vô hình chung lại vi phạm quy định pháp luật về quản lý và thanh toán ngoại tệ tại Việt Nam.
Tour giá rẻ về bản chất “không xấu,” nhưng vấn đề ở đây là các nhà quản lý cần đáp ứng yêu cầu cơ chế thị trường, kiểm soát được chất lượng du lịch, bảo vệ quyền lợi khách, hình ảnh điểm đến cũng như các nguồn thu thuế cho nhà nước.
Tour giá rẻ đang bị biến tướng bằng tên gọi “tour 0 đồng” để đánh vào lòng tham của nhiều du khách nhẹ dạ cả tin. Loại hình này tồn tại là nhờ những cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, thường do người nước ngoài núp bóng điều hành và có sự tiếp tay, đồng lõa của công ty lữ hành và hướng dẫn viên Việt Nam.
“Dẹp loạn” tour 0 đồng
Nếu cứ mãi loay hoay với bài toán du lịch giá rẻ thì có lẽ không biết tới khi nào ngành công nghiệp không khói đang được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế của đất nước mới có thể “cất cánh.”
Chính vì lẽ đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch khẳng định: “Chủ trương, định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam là du lịch chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Việt Nam không đi theo định hướng phát triển du lịch giá rẻ.”
Trả lời phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh rằng, nhà nước không khuyến khích loại hình du lịch giá rẻ, mà đây là do trên thực tế nảy sinh và đòi hỏi các cơ quan quản lý phải vào cuộc để chấn chỉnh.
Theo ông Tuấn, không nên coi Việt Nam là điểm du lịch giá rẻ mà cố gắng làm sao để trở thành điểm đến du lịch đáng tiền, cung cấp dịch vụ tương xứng tùy đối tượng khách khác nhau, xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra.
Trước mắt, theo lãnh đạo ngành du lịch, để “dẹp loạn” tour 0 đồng, giúp tour giá rẻ phát huy đúng ý nghĩa tích cực cần sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương, nâng cao trách nhiệm và tăng cường kiểm soát các cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo. Cùng lúc, cần kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, không cho giao dịch chui, trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.
Đặc biệt, các nhà quản lý cần quyết liệt trong việc xử phạt và rút giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên có vi phạm pháp luật về kinh doanh lữ hành, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách.
Theo các chuyên gia, phải làm sạch được môi trường kinh doanh du lịch thì hình ảnh điểm đến quốc gia mới thân thiện và hấp dẫn được du khách quốc tế, nhất là dòng khách sang có nhu cầu du lịch dài ngày nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng ngành du lịch nước nhà...
Theo M.MAI (Vietnam+)