Vì sự hòa nhập của người khuyết tật
Với việc trực tiếp tham gia khảo sát 50 công trình công cộng trong khuôn khổ giai đoạn 2 của Dự án “Tiếp cận vì sự hòa nhập của người khuyết tật”, người khuyết tật có cơ hội nâng cao vai trò, tiếng nói về quyền tiếp cận của chính mình.
Người khuyết tật tham gia khảo sát công trình nhà vệ sinh của cơ quan BHXH TX An Nhơn.
Trước hoạt động khảo sát của Dự án “Tiếp cận vì sự hòa nhập của người khuyết tật”, người khuyết tật (NKT) trong tỉnh chưa bao giờ đặt mình trong một vị trí khác biệt như vậy. Hầu hết họ đều từng vất vả tìm cách di chuyển qua các bậc tam cấp tại các công trình công cộng, trụ sở cơ quan nhà nước và xem khó khăn này là điều đương nhiên; hoặc ở nhà và nhờ người thân, người quen hỗ trợ. Chính vì vậy, ở vị trí là người khảo sát lần này, đại diện NKT trong tỉnh hết sức háo hức.
Dấu mốc mới
Anh Nguyễn Minh Tâm (52 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn), thành viên nhóm khảo sát số 2 thuộc Dự án bộc bạch: “Chúng tôi rất vui. Trước giờ, nhiều đơn vị cứ nghĩ, NKT xuất hiện tại các cơ quan nhà nước, nếu không vì việc cá nhân thì chủ yếu là xin xỏ, nhờ vả. Lần này, chúng tôi được ngồi làm việc với họ, trao đổi về những nội dung liên quan đến tính tiếp cận của công trình. Anh em cùng tham gia khảo sát thấy tự tin”.
Phần lớn NKT đều có tâm lý mặc cảm, tự ti bởi khiếm khuyết của bản thân và chấp nhận những thiệt thòi về mặt tiếp cận như là chuyện đương nhiên. Vì vậy, khi nhắc đến khái niệm “tiếp cận là quyền của NKT”, không ít NKT ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên đến tiếp nhận, hoàn thiện thành nhận thức, biểu lộ nhận thức thành sự tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp là cả một quá trình dài. Điểm đáng vui mừng là sự đón tiếp, tạo điều kiện và hợp tác trong quá trình khảo sát của các đơn vị đã cho thấy bước chuyển về sự quan tâm đối với hoạt động tiếp cận của NKT.
Luật NKT năm 2010 quy định đến ngày 1.1.2020: các công trình công cộng sau đây phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT: trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục, thể thao. Ðến ngày 1.1.2025, tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Ðiều này phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT.
Nhiều NKT đánh giá, điều quan trọng mà dự án mang lại là khả năng tác động sâu sắc đến nhận thức, giúp họ tháo gỡ sự tự tin, mặc cảm. Chị Nguyễn Thái Anh Đào (36 tuổi, ở xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) cho biết: “Chúng tôi rất vui vì lãnh đạo của các đơn vị thuộc nhóm khảo sát số 3 như: Bảo tàng Quang Trung, TTYT TX An Nhơn... đã hứa sẽ bổ sung hạng mục tiếp cận NKT khi xây mới, sửa chữa công trình. Ước tính mỗi tháng Bảo tàng Quang Trung tiếp khoảng 300 lượt khách là những người khó khăn về đi lại (NKT, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em). Hiện nay, Bảo tàng đã có 2 đường dốc vào nhà lưu giữ, trưng bày hiện vật. Dù chưa đúng chuẩn, nhưng điều này rất đáng mừng”.
Hành trình khó khăn
Thực hiện hoạt động khảo sát, NKT ý thức rõ: hành trình để đạt được quyền lợi chính đáng là tiếp cận các công trình công cộng còn khá xa. Phần lớn các công trình được khảo sát đợt này đều chưa có lối vào hay nhà vệ sinh tiếp cận NKT. Một số công trình đã có lối vào làm theo dạng đường dốc nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng.
Nhiều công trình đã rất cũ nhưng vì nhiều lý do nên chưa thể sửa chữa, điều chỉnh theo hướng tiếp cận NKT. Ví dụ như Văn phòng Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TX An Nhơn - nơi có nhiều NKT đến tham gia, sinh hoạt - được xây dựng cách đây hơn 30 năm và được UBND TX An Nhơn cho mượn sử dụng, nên rất khó để sửa chữa, bổ sung hạng mục tiếp cận NKT.
Mặt khác, dù có nhiều chuyển biến tốt, nhưng lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị chưa thật cởi mở, nhận thức đúng về quyền tiếp cận của NKT, như bày tỏ thái độ khó khăn khi NKT đặt vấn đề về khảo sát, đo đạc lối vào, nhà vệ sinh bởi cho rằng cơ quan, đơn vị của họ không có NKT và NKT cũng chẳng mấy khi đến.
Những vấn đề này cho thấy cơ quan chức năng chưa nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện về chức năng của các công trình đảm bảo cho NKT tiếp cận. Trước tiên cần phải biết rằng NKT không xin quyền được tiếp cận, mà ngược lại điều này đã được Luật NKT năm 2010 quy định. Mặt khác, không nên nghĩ rằng những dạng công trình này chỉ dành cho NKT bẩm sinh nên nơi nào không có hoặc ít NKT thì không cần đầu tư. Tai nạn, bệnh tật có thể xảy ra và một người bình thường cũng có thể trở thành NKT tạm thời hoặc cả đời. Bên cạnh đó, các công trình này không chỉ dành cho NKT mà đúng hơn là cho những người giảm năng lực tiếp cận, bao gồm cả trẻ em và người lớn tuổi, qua đó thể hiện mức độ nhân văn, quan tâm đến con người.
Bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực NKT (DRD), Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về NKT Việt Nam, trao đổi: Tôi biết tỉnh Bình Định định hướng phát triển du lịch bền vững. Khi tôi chia sẻ với bạn bè khuyết tật trong và ngoài nước về Dự án này tại tỉnh Bình Định, tất cả bạn bè đều đặt câu hỏi: các địa chỉ du lịch của địa phương này có tiếp cận với NKT không? Họ xem trên mạng thấy phong cảnh, di tích lịch sử, ẩm thực... của Bình Định rất hấp dẫn nhưng lại e ngại chưa có tiếp cận. Giải quyết được bài toán tiếp cận này, Bình Định còn có thêm một lượng khách khó khăn về đi lại.
NGUYỄN MUỘI