Ứng dụng GIS quản lý hạ tầng bưu chính viễn thông
Với sự phát triển vượt bậc, lĩnh vực bưu chính viễn thông gặp nhiều thách thức và khó khăn trong công tác quản lý. Ứng dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) là giải pháp cấp thiết.
Tại Bình Định, hạ tầng mạng lưới bưu chính viễn thông (BCVT) phát triển tương đối hoàn thiện. Toàn tỉnh có 187 điểm phục vụ BCVT, chủ yếu của Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel. Cáp quang hóa mạng viễn thông bước đầu được triển khai, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Hạ tầng cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động được phát triển rộng khắp với 1.074 vị trí cột ăng ten thu phát sóng, 39% số cột ăng ten được đầu tư xây dựng, lắp đặt theo công nghệ 3G. Ngoài ra, hầu hết các tuyến đường, phố tại khu vực trung tâm TP Quy Nhơn và một số khu vực đô thị, trung tâm huyện, thị xã đã có hạ tầng cống bể, ngầm hóa mạng cáp viễn thông, với tỉ lệ ngầm hóa đạt 25%.
Vấn đề cấp thiết
Tuy nhiên, theo TS Võ Gia Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TT&TT, với sự phát triển rất nhanh trong lĩnh vực BCVT, việc quản lý gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình trạng thiếu thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; mỗi DN xây dựng một hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động riêng, dẫn đến chồng chéo, lãng phí và ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Ứng dụng GIS giúp nâng cao công tác quản lý hạ tầng BCVT trên địa bàn tỉnh.
- Trong ảnh: Thi công trạm phát sóng viễn thông của Viettel Bình Định.
Mặt khác, các điểm cung cấp dịch vụ BCVT công cộng phát triển khá rộng khắp, song lại thiếu các đánh giá thực trạng và các giải pháp để quản lý. Mạng thông tin di động đã được phủ sóng đến hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh, nhưng do đặc điểm địa hình của tỉnh với 80% là đồi núi nên vẫn còn một số khu vực sóng yếu, lõm sóng. Đáng chú ý, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các DN chưa hiệu quả. Tỉ lệ DN mạng di động sử dụng chung cơ sở hạ tầng với nhau mới chỉ có 10%, hệ thống cống, bể cáp ngầm hóa mạng cáp viễn thông sử dụng chung hạ tầng giữa các DN vẫn còn chậm và còn nhiều bất cập, điều này gây ảnh hưởng nguồn vốn và diện tích sử dụng đất.
Trên cơ sở này, nghiên cứu của Sở TT&TT do TS Võ Gia Nghĩa và nhóm cộng sự tiến hành từ năm 2016 - 2018 đã hoàn thiện ứng dụng GIS trong quản lý hạ tầng BCVT toàn tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống hạ tầng BCVT trên bản đồ nền; xây dựng mới 3 lớp dữ liệu chuyên đề gồm lớp dữ liệu trạm BTS, dữ liệu tuyến cáp ngầm viễn thông và dữ liệu điểm BCVT công cộng. Quan trọng hơn là xây dựng phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu hạ tầng BCVT gắn với WebGIS, nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác dự báo, quản lý và phát triển dịch vụ BCVT; hiện đã được đưa vào sử dụng tại địa chỉ vienthong.binhdinh.gov.vn.
“GIS với khả năng mạnh về phân tích và quản lý dữ liệu không gian, có thể tìm ra sự phân bố địa lý và phủ sóng của hạ tầng viễn thông, phân tích mối liên quan giữa sự phân bố các trạm thu phát sóng với các yếu tố địa lý phức tạp đồi núi của Bình Định, dự đoán tình hình phát triển và hỗ trợ ra quyết định để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời trong công tác quản lý. Nghiên cứu này sẽ giúp các nhà quản lý có cái nhìn trực quan về công tác dự báo và quản lý tốt hạ tầng BCVT tỉnh. Sở TT&TT cũng đã quyết định bố trí thêm kinh phí để nhóm nghiên cứu “số hóa” toàn bộ dữ liệu để triển khai GIS vào công tác quản lý hạ tầng BCVT từ đầu năm 2019”, TS Nghĩa cho hay.
Cần liên thông dữ liệu dùng chung
Mới đây, đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng GIS trong công tác quản lý hạ tầng BCVT trên địa bàn tỉnh Bình Định” đã được nghiệm thu và xếp loại xuất sắc. Kết quả nghiên cứu là bước khởi đầu ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý nhà nước, người dân, các DN viễn thông và phục vụ phát triển KT-XH bền vững; cần ưu tiên ứng dụng cho quản lý hạ tầng BCVT phát triển trong trung hạn và dài hạn.
“Cơ sở dữ liệu đúng theo các chuẩn mực quốc tế, có thể trao đổi được với nhiều hệ thống GIS khác. Phần mềm sử dụng công nghệ web kết hợp GIS có thể đáp ứng đa dạng phạm vi và đối tượng sử dụng cũng như mở rộng sau này”, TS Trần Thiên Thành - Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Quy Nhơn), nhận định.
Trong khi đó, ông Đặng Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel tại Bình Định, cho rằng: “Ứng dụng GIS trong quản lý hạ tầng BCVT “lợi cả đôi đường”. Không chỉ cơ quan quản lý dễ dàng quản lý hạ tầng BCVT toàn tỉnh, mà các DN viễn thông cũng được hưởng lợi rất nhiều, tiết giảm thời gian và chi phí trong công tác quy hoạch, xin cấp phép, xây dựng hạ tầng của mình”.
Vấn đề đặt ra là từ kết quả nghiên cứu này, cần dấn thêm một bước là liên thông dữ liệu quản lý hạ tầng BCVT của Sở TT&TT với các sở, ngành liên quan để có cơ sở dữ liệu dùng chung. Kỹ sư Nguyễn Quang Khải, Phó Giám đốc Viễn thông tỉnh, bày tỏ: “Tôi mong muốn nghiên cứu này có sự liên thông với các sở, ngành khác để cấp phép, quản lý một cách đồng bộ. Khi đó, các DN chỉ cần đảm bảo về hạ tầng viễn thông của đơn vị đúng theo quy hoạch. Còn bây giờ, thực tế quản lý hạ tầng viễn thông, tiếng là nhiều cơ quan quản lý chặt chẽ, nhưng thực chất lại không thể liên thông để quản lý được gì”.
MAI HOÀNG