Thực hiện chủ trương đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ gạch không nung:
Nhìn từ một mô hình trình diễn
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng nhẹ không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thời gian qua, Sở Công Thương đã xây dựng một số mô hình kỹ thuật sản xuất (KTSX) gạch không nung trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu là mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch ống - xi măng cốt liệu không nung tại HTX Sản xuất đá xây dựng Bình Đê.
Sản xuất gạch ống- xi măng
Theo ông Trần Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn KTSX gạch ống - xi măng cốt liệu không nung” do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (TTKC-TVPTCN) Bình Định (thuộc Sở Công Thương) chủ trì, được thực hiện tại HTX Sản xuất đá xây dựng Bình Đê (tại thôn Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc - Hoài Nhơn). Đơn vị phối hợp thực hiện đề án là Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn. Đây là dự án thuộc khuôn khổ Đề án Khuyến công quốc gia năm 2013.
Dự án có tổng vốn đầu tư trên 4,1 tỉ đồng. Trong đó, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản chiếm 560 triệu đồng; chi phí đầu tư mua sắm máy móc thiết bị gần 3,6 tỉ đồng. Dự án còn được hỗ trợ 220 triệu đồng từ nguồn kinh phí chương trình khuyến công quốc gia 2013. Về quy mô, dự án được xây dựng trên một khu đất có diện tích rộng khoảng 8.670m2, thuộc địa bàn thôn Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc. Trong đó, nhà xưởng chính có diện tích 360m2; công suất thiết kế 7 triệu viên/năm.
Dự án tiến hành nghiên cứu, sản xuất nhiều loại gạch, như: Gạch xây tường 6 lỗ; gạch xây tường 2 lỗ; gạch xây tường 4 lỗ với nhiều kích cỡ khác nhau. Công nghệ sản xuất ra loại gạch ống - xi măng cốt liệu không nung khá đơn giản, gồm nguyên liệu cát, đá mạt, xi măng, nước, được cho vào máy trộn, rồi dùng máy ép thủy lực ép chặt.
Về cơ cấu và chất lượng sản phẩm, dự án xác định rõ: Triển khai thực hiện việc sản xuất các loại gạch ống - xi măng cốt liệu không nung phù hợp với nhu cầu thị trường, nhằm mục đích thay thế gạch đất sét nung truyền thống, được sử dụng để xây tường, móng trong các công trình dân dụng và công nghiệp. Đây là loại vật liệu xây dựng mới sử dụng nguyên liệu thông dụng, không cần nhiên liệu cho nung, không ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, hình thức, mẫu mã, phẩm cấp của sản phẩm đa dạng, thi công nhanh, giảm chi phí vật liệu xây trát, đáp ứng yêu cầu xây dựng đa dạng.
Hiệu quả bước đầu
Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn KTSX gạch ống - xi măng cốt liệu không nung” chính thức được triển khai từ tháng 1.2013. Theo ông Trần Đức Tiến, việc Sở Công Thương quyết định chọn HTX Bình Đê tham gia dự án vì Hoài Nhơn là một trong những địa phương có dân số đông nhất khu vực phía Bắc tỉnh, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cao, và Bình Đê là HTX sản xuất đá xây dựng hàng đầu ở Hoài Nhơn.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung tâm KC-TVPTCN Bình Định và Sở Công Thương, dự án còn nhận được hỗ trợ về kỹ thuật của Công ty CP Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu (tại TP Hồ Chí Minh). Theo đó, dây chuyền thiết bị công nghệ sản xuất gạch ống - xi măng cốt liệu không nung do Công ty Trung Hậu nghiên cứu, chế tạo và đã được Bộ Xây dựng xác nhận. Đặc trưng của công nghệ này là sản xuất gạch không nung, không phát thải khí CO2, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không sử dụng đất sét, góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường; góp phần giảm bớt bãi chứa sản phẩm…
Qua 9 tháng triển khai thực hiện với sự nỗ lực của các bên, dự án “Xây dựng mô hình trình diễn KTSX gạch ống - xi măng cốt liệu không nung” đã đạt được những kết quả khả quan. Ông Nguyễn Xuân Thạch, Chủ nhiệm HTX Sản xuất đá xây dựng Bình Đê, cho biết: Toàn bộ dây chuyền công nghệ, thiết bị máy móc đều hiện đại, tiên tiến, được chế tạo trong nước với mức độ tự động hóa hoàn chỉnh. Nguyên liệu làm gạch hầu như có sẵn ở tất cả các địa phương. Sản phẩm làm ra đạt quy cách, chất lượng; hình dáng, kích thước của gạch cũng tương tự như gạch đất sét nung truyền thống nên khá gần với tập quán sử dụng của người dân. Chi phí đầu tư sản xuất gạch không nung rất thấp (chỉ bằng 30-40% chi phí đầu tư sản xuất gạch tuynel).
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thạch, sản phẩm gạch không nung đã đáp ứng một phần vật liệu xây dựng không nung để thay thế gạch đất sét nung, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa phế liệu, giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương và tăng thêm cho ngân sách nhà nước trên 324 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tình hình ô nhiễm môi trường cũng được cải thiện đáng kể; nhất là việc sử dụng phế liệu sau khai thác, giảm thiểu phế liệu phát thải, giảm chi phí xử lý vật liệu phế thải.
Theo ông Trần Đức Tiến, những kết quả mà dự án mang lại là tiền đề mở ra cơ hội kêu gọi đầu tư xây dựng nhiều nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ, không nung; tiến tới xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh, mang lại nhiều lợi ích xã hội thiết thực.
VIẾT HIỀN