Xây dựng nhãn hiệu rau an toàn Bình Ðịnh
Trong chiến lược phát triển thị trường rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của Bình Ðịnh, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể của sản phẩm được xem là bước đi cần thiết nhằm tăng sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Quy hoạch vùng chuyên canh
Theo Dự án rau an toàn (RAT) tỉnh (thuộc Sở NN&PTNT), thực hiện hợp phần sản xuất RAT thuộc Dự án Sinh kế nông thôn bền vững do Chính phủ New Zealand tài trợ, đến nay toàn tỉnh đã có 4 vùng chuyên canh sản xuất RAT với diện tích gần 15 ha/170 hộ dân tham gia, gồm: khối Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn) 4,5 ha; xã Phước Hiệp (Tuy Phước) 6,7 ha; xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) 1 ha và khu vực Hòa Cư (phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) 2,5 ha.
Các chuyên gia của Dự án tham quan các mô hình sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTXNN Thuận Nghĩa. Ảnh do Văn phòng Dự án cung cấp
Bà Đinh Thị Lệ Hiền, thành viên nhóm cùng sở thích sản xuất RAT khu vực Hòa Cư, cho hay: “Qua các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc, sử dụng hóa chất nông nghiệp an toàn, bà con nông dân chúng tôi có thêm kiến thức mới, thay đổi nhận thức trong quá trình canh tác trên đồng ruộng. Qua hơn 1 năm tham gia nhóm cùng sở thích, cái lợi trước mắt mà tôi thấy được là giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm ngày công lao động, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế”.
Ông Nguyễn Ngọc Thể, ở thôn Luật Chánh, xã viên sản xuất RAT của HTXNN Phước Hiệp, nhận xét: “Gia đình tôi sản xuất 2 sào RAT và đều được HTX thu mua cung cấp cho các siêu thị, quày RAT. Sản xuất RAT có nhiều cái lợi ích, rất thiết thực, như vừa giúp thay đổi cách làm, tiết kiệm chi phí, cải thiện môi trường, giảm tác hại của thuốc bảo vệ thực vật với bản thân, vừa tăng thu nhập”.
Theo ông Phạm Tấn Phát, điều phối viên Dự án RAT Bình Định, toàn tỉnh hiện có 2 HTXNN và 3 nhóm cùng sở thích sản xuất RAT; trong đó có nhóm cùng sở thích tại xã Vĩnh Sơn sản xuất thử nghiệm các loại rau ôn đới. Đến nay, Dự án đã hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về RAT BinhdinhGAP với 34 tiêu chí thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Dự án đã hỗ trợ cải thiện nhà sơ chế RAT cho 2 HTXNN Thuận Nghĩa và Phước Hiệp; kết nối tìm thị trường tiêu thụ cho các HTX, nhóm cùng sở thích sản xuất RAT.
Xây dựng nhãn hiệu tập thể rau an toàn Bình Định
Để chuẩn bị cho việc xây dựng nhãn hiệu tập thể RAT Bình Định, Văn phòng Dự án cùng Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand phối hợp với Công ty Rice Creative (TP Hồ Chí Minh) triển khai gói thầu tiếp thị và làm thương hiệu hàng hóa cho RAT Bình Định. Sắp tới, Dự án và các đơn vị liên quan làm việc với Công ty Rice Creative để thống nhất về logo nhận diện sản phẩm, tên thương hiệu... tiến tới hoàn thiện hồ sơ, xác lập quyền bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm RAT.
Cuối tháng 10, Văn phòng Dự án sẽ phối hợp với Trung tâm Thông tin và thống kê KHCN (Sở KH&CN) thực hiện quy trình đề nghị công nhận nhãn hiệu tập thể RAT Bình Định, trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) xem xét. Nhãn hiệu RAT Bình Định với những quy định về sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, logo nhận diện... góp phần định hình được nhãn hiệu nông sản này trên thị trường; sản phẩm của HTXNN, nhóm cùng sở thích thuộc dự án được quyền sử dụng nhãn hiệu, gắn logo nhận diện.
Theo ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, khi RAT Bình Định được chứng nhận nhãn hiệu, rau VietGAP Thuận Nghĩa kèm theo logo nhận diện nhãn hiệu RAT Bình Định sẽ có thêm độ tin cậy của người tiêu dùng. Sản phẩm rau VietGAP Thuận Nghĩa có điều kiện tiếp cận nhiều kênh phân phối hiện đại, mở rộng thị trường. Để chuẩn bị cho việc đăng ký sử dụng nhãn hiệu sau này, HTX đã tổ chức tập huấn cho các hộ dân tuân thủ quy trình canh tác, đảm bảo chứng nhận chất lượng VietGAP, tăng diện tích, tăng số hộ tham gia.
Ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX An Nhơn, tin tưởng việc sản phẩm RAT của nhóm cùng sở thích khu vực Hòa Cư được gắn logo nhận diện nhãn hiệu RAT Bình Định là “bảo chứng” cho sản phẩm RAT của nhóm với người tiêu dùng, tăng cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường, tăng thu nhập. Với địa phương, từ kết quả thí điểm của nhóm cùng sở thích, sẽ có thêm điều kiện nhân rộng mô hình sản xuất RAT ra nhiều khu vực khác tại thị xã.
Theo ông Nguyễn Mạnh Đôn, cán bộ kỹ thuật HTXNN Phước Hiệp, đồng hành cùng xã viên trong quá trình sản xuất RAT, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp địa phương phối hợp cùng nông dân tập huấn kỹ thuật sản xuất trên đồng ruộng, thu hoạch, sơ chế, đóng gói. Kết quả đạt được trong việc phối hợp với nông dân sản xuất an toàn là sản phẩm RAT Phước Hiệp được cấp chứng nhận VietGAP, tạo điều kiện cho rau VietGAP Phước Hiệp được đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể RAT Bình Định.
Dự án RAT Bình Ðịnh giai đoạn 2 (2016 - 2021) là dự án hỗ trợ kỹ thuật, được Chương trình viện trợ New Zealand tài trợ tiếp theo sau khi Dự án “Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh Bình Ðịnh - Kết nối hộ nông dân với thị trường” kết thúc vào tháng 5.2015. Mục tiêu của Dự án giai đoạn 2 là củng cố và nhân rộng kết quả đã đạt được của hợp phần RAT giai đoạn 1 (2009 - 2015); cải thiện sự an toàn và tính bền vững về kinh tế và môi trường cho người nông dân trồng rau và sự an toàn cho người tiêu dùng ở tỉnh. Dự án được triển khai tại 4 địa phương, gồm Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, TX An Nhơn và Tuy Phước; với mục tiêu sản xuất 720 ha RAT.
THU DỊU