Nghiên cứu mới: Đa dạng hóa cây rừng làm tăng hấp thụ CO2
Tạp chí Khoa học của Trung Quốc số ra ngày 17.10 đã công bố một nghiên cứu cho thấy sự đa dạng của các loài cây sẽ giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: picjumbo.com)
Các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc, Thụy Điển và Đức đã tiến hành một thực nghiệm về đa dạng sinh thái rừng quy mô lớn.
Kết quả cho thấy một khu rừng với nhiều loài cây trồng khác nhau có năng suất cao hơn và hấp thụ nhiều khí CO2 hơn so với những khu rừng chỉ trồng một loại cây. Trong hai năm 2009 và 2010, các nhà nghiên cứu đã thành lập một nền tảng thực nghiệm tại một khu rừng cận nhiệt đới ở tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc, trong đó họ trồng hơn 300.000 cây. Họ phát hiện rằng sau 8 năm, 16 loài cây trồng lẫn với nhau hấp thu trung bình 32 tấn CO2/hecta, trong khi các cánh rừng trồng một loại cây chỉ hấp thu trung bình 12 tấn. Theo các nhà khoa học, việc đa dạng hóa cây trồng trong rừng có thể giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Rừng có thể giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách hấp thụ CO2 từ bầu khí quyển Trái Đất. Ngoài ra, đa dạng cây trồng cũng có ý nghĩa về kinh tế. Các nhà nghiên cứu cũng suy luận các tác động của việc trồng nhiều loại cây xen kẽ trong các cánh rừng hiện nay trên thế giới, và phát hiện rằng nếu giảm 10% loài cây trồng sẽ làm thất thu 20 tỷ USD/năm. Nghiên cứu trên kết luận các chiến lược đa dạng hóa cây rừng sẽ giúp lập lại đa dạng sinh thái, đồng thời giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu./.
Theo BÍCH LIÊN (TTXVN/VIETNAM+)