Nếu bạn lo lắng mà không rõ nguyên nhân…
Bệnh trầm cảm đang có xu hướng gia tăng nhưng việc điều trị gặp nhiều thách thức do đa số bệnh nhân không biết mình mắc bệnh để có thể điều trị sớm. Dấu hiệu lâm sàng của bệnh trầm cảm là cảm giác trống rỗng, buồn chán dai dẳng mà không rõ nguyên nhân.
BS CKII.Nguyễn Thị Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, cho biết: “Người bị trầm cảm thường lo lắng, nếu bạn không tìm thấy nguyên do xác đáng mà vẫn luôn có cảm giác lo lắng thì có thể bạn đã ở vào giai đoạn khởi phát của bệnh. Người bị trầm cảm hay có cảm giác mệt mỏi, lo lắng vu vơ, thường kèm theo hiện tượng mất ngủ kéo dài. Người bị trầm cảm kéo dài thường tự hỏi mình sống để làm gì, hay nghĩ tới khả năng tự tử, đây là những dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh trầm cảm”.
Nếu thấy những dấu hiệu trên xảy ra thường xuyên, kéo dài, bạn nên đến tìm bác sĩ, họ sẽ xác định chính xác bệnh của bạn và cho bạn lời khuyên. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều người bệnh trầm cảm còn cố gắng che giấu cảm xúc của mình, vì thế nếu thấy người thân có dấu hiệu khác thường hãy khuyên họ đi gặp bác sĩ để được điều trị bệnh kịp thời.
Bệnh trầm cảm không loại trừ ai, kể cả những người mà trong gia đình không có ai tiền sử tâm thần. Người bình thường cũng có nguy cơ trầm cảm nếu buồn chán và áp lực kéo dài. Áp lực trong cuộc sống dẫn đến những thiếu hụt về dẫn chất thần kinh trong não người và mầm mống bệnh tật xuất hiện. Áp lực đó có thể là vì học hành, thi cử, thất bại trong tình yêu, công việc trắc trở…
“Nguyên nhân mắc bệnh của người này không giống người khác, bởi vậy dựa vào mỗi tình huống cụ thể mà bác sĩ sẽ có các cách điều trị khác nhau phù hợp. Tuy nhiên, có những điều chung mà người nào cũng nên làm, đặc biệt là những ai có dấu hiệu mắc bệnh: Cười thật nhiều, nụ cười sẽ giúp bạn thoải mái, vui vẻ; hãy cười mỗi ngày để làm cho cuộc sống của bạn trở nên ý nghĩa và làm tiêu tan những lo lắng. Giữ tinh thần luôn thoải mái: hãy làm những gì bạn thích để luôn cảm thấy được thoải mái, nghe nhạc, xem phim, đọc sách, tán gẫu… bất cứ điều gì bạn muốn. Nên tìm kiếm một cuộc sống bận rộn vì cuộc sống bận rộn sẽ giúp bạn không có thời gian để nghĩ quá nhiều đến những chuyện không vui, bận rộn cũng giúp bạn thấy cuộc sống có nghĩa hơn”, BS Định gợi ý.
THÙY VY
(Trung tâm TT - GDSK tỉnh)