Bún rạm quê nhà
Tôi xa Phù Mỹ ngót hai mươi năm từ dạo rời quê vào Sài Gòn học đại học, rồi cơ duyên đưa đẩy tôi lập nghiệp ở Tây Ninh. Trong suốt hai mươi năm ấy, thỉnh thoảng tôi có về thăm quê, thường là dịp tết hoặc giỗ chạp. Trong mỗi cuộc trở về như vậy, dù thời gian gấp rút đến đâu tôi cũng cố ghé thăm đầm Trà Ổ. Đầm vẫn như xưa, mênh mang nước và neo trong lòng bao đặc sản của quê hương mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất này. Qua cầu tre gập ghềnh trên mặt đầm, mặt trời cuối ngày phát ráng đỏ trên nền mây như nhà ai đang nhóm lửa nấu bữa cơm chiều.
Sớm mai trên đầm Trà Ổ. Ảnh: NGUYỄN SA HUỲNH
Phù Mỹ quê tôi có món ăn gợi nhớ mà khó tìm được ở một nơi nào khác, đó là bún rạm (con rạm có hình dạng gần giống cua đồng). Nào có gì xa xỉ phức tạp, chỉ là rạm đánh bắt được trong đầm Trà Ổ, được các bà, các mẹ rửa sạch rồi giã nhuyễn, lọc lấy phần tinh túy nhất, khi nấu lên thì kết tủa lại như riêu cua. Bún được chần sơ qua nước sôi bỏ vào tô nhỏ chan nước riêu lên xâm xấp dọn ăn cùng các loại rau sống trồng trong vườn nhà. Cũng là riêu nhưng riêu được nấu từ rạm có vị béo thanh không ngậy và đặc biệt không có vị nồng tanh. Khách ở xa tới ăn lần đầu khi thấy dọn tô búm rạm cảm giác ban đầu là sao đơn sơ quá đỗi, không nấu cùng cà chua, đậu hủ chiên như bún riêu. Nhưng chỉ cần thong thả múc một muỗng nước dùng nóng hổi nếm thử sẽ muốn ăn tiếp muỗng thứ hai…
Tôi nhớ ấu thơ theo ba, mẹ cất vó trên đầm. Những sáng sớm hơi nước tỏa lên từ mặt đầm quyện cùng sương giăng huyền ảo, tôi theo ba ra thăm vó đầu ngày. Nhìn thành quả thu hoạch được là rạm và cá, tôi nghĩ ngay đến bún rạm mẹ nấu. Mãi sau này, mỗi lần tôi về thăm quê, mẹ vẫn nấu bún rạm cho cả nhà và tôi ăn. Những kỷ niệm của một thuở được nhắc lại bên bữa ăn gia đình thật đầm ấm khiến tôi càng thêm lưu luyến quê nhà.
Giờ đây, những đặc sản của Bình Định đã có thể đến khắp mọi miền đất nước. Người xa quê có thể tìm được món ăn quê nhà trên vùng đất mới. Người An Nhơn, Tuy Phước xa xứ có thể ra chợ mua chả ram tôm đất được đóng gói ép chân không, nem chua vẫn còn tươi xanh màu lá chuối hay tré được bọc bằng những cọng rơm túm hai đầu như viên kẹo. Có những khi bất chợt gặp chị bán hàng rong đầu đội nón lá Gò Găng đạp xe chở theo thúng gắn dòng chữ “Bánh ít lá gai Bình Định” hay ngồi nghỉ trưa dưới tán cây bằng lăng đang mùa hoa rộ tím ven những con đường nhỏ trong lòng thành phố. Nhớ bánh hồng Tam Quan có thể vào chợ Ninh Sơn mua của bà cụ tuy cuộc sống hiện không thiếu thốn gì vẫn duy trì bán để thấy quê xứ dẫu xa cũng hóa gần. Duy chỉ có bún rạm là chưa thể nào đi xa được để người xa quê xốn xang hoài nỗi nhớ.
TRƯƠNG QUỐC TOÀN