Yêu thương, đâu chỉ có một ngày
Những ngày lễ lạt dành riêng cho phái đẹp, như 8.3, 20.10, quà và hoa chưa hẳn là những thứ nhiều phụ nữ mong đợi. Một cuộc sống bớt gánh nặng, lo toan, được tự tin khẳng định mình, và luôn được người thân yêu thương, gia đình hạnh phúc... mới là những điều họ mong ước.
Với phụ nữ, sự yêu thương, quan tâm của người thân mới là món quà lớn nhất.
- Trong ảnh: Các cặp vợ chồng tham gia trò chơi trong ngày hội Nam giới chia sẻ việc nhà 2018 tại xã Tây An, huyện Tây Sơn.
1.
Khi chọn đề tài viết cho Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, tôi chợt nghĩ đến những phụ nữ chưa cần hoa và quà. Họ là những phụ nữ lao động bình thường, chỉ biết dành trọn thời gian để lo kiếm sống. Cuộc đời cơ cực, nhưng chẳng vì thế mà họ bi quan, ngược lại càng cứng cỏi, vươn lên.
Chị Nguyễn Thị Trâm, 30 tuổi, ở xóm 6, thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, là một người như thế. Chị có vóc dáng nhỏ nhắn, giọng nói dịu dàng, dễ gây cảm mến, nhưng lại có cuộc sống vô cùng khó khăn. Mẹ bị tâm thần, ba nằm liệt một chỗ, từ nhỏ, chị em Trâm đã bơ vơ, phải làm nghề xâu lông gà (bán cho người làm chổi lông gà) để kiếm sống. Cách đây 16 năm, Trâm cùng em trai bị người mẹ bệnh tật trong một lần lên cơn, vứt xuống giếng, may mà được cứu kịp thời. Trâm đã nỗ lực vươn lên nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh. Theo lời kể của chị Hà, Trâm đã cố gắng rất nhiều, nhất là vượt qua mặc cảm, để học tập, làm việc tại Công ty CP Hà Thanh. Trâm chia sẻ: “Mỗi người có một số phận riêng, không ai giống ai. Tôi nghĩ, khi vượt qua khó khăn trong cuộc sống mới càng yêu quý những gì mình đang có và trân trọng những người xung quanh mình. Với tôi, nụ cười dù ngây dại của mẹ, cái nắm tay nhẹ của ba cũng đủ làm ấm lòng để vượt qua mọi khó khăn, bởi suy nghĩ tôi vẫn còn có ba có mẹ”.
2.
Bắt gặp hình ảnh bà Lâm Thị Tuyết, 62 tuổi, ở xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, bị bệnh u não 3 tháng nay, được chồng và con trai luôn bên cạnh chăm sóc, nâng đỡ, ai cũng cảm động. Vốn là người năng động, giờ nằm một chỗ, bà Tuyết chẳng mong gì hơn được gặp chị em cùng xóm.
Những năm trước, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20.10, bà cùng mọi người khui heo đất tiết kiệm rồi dùng số tiền thu được đi thăm các trường hợp đau ốm. Giờ thì chính bà lại là người nhận suất quà ấy. Trong câu chuyện với bà Tuyết và người thân, chúng tôi cảm nhận rõ một điều, hạnh phúc đâu chỉ ở những món quà tặng mang ý nghĩa vật chất. Bà vẫn lo lắng mình đang trở thành gánh nặng cho chồng, cho con. Bà vẫn lo hỏi thăm tình hình hoạt động của CLB, tổ nhóm phụ nữ… Câu chuyện của người phụ nữ này khiến chúng tôi nhận ra rằng, sự quan tâm đến nhau trong cuộc sống mới là món quà lớn nhất.
3.
Trong cuộc mưu sinh vất vả, nhiều phụ nữ đã không mơ có cành hoa, món quà vào dịp lễ, sinh nhật. Họ chỉ mong rằng, sau một buổi bán hàng mệt nhọc, trở về nhà đã có sẵn một mâm cơm, nhà cửa gọn gàng và con cái đang chờ mong...
Từ một người bán cá, rau củ quả ngoài chợ đến khi trở thành bà chủ cửa hàng tạp hóa lớn bậc nhất ở chợ Nhơn Hậu, TX An Nhơn, chị Lê Thị Thu Hà, 49 tuổi, ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, đã trải qua nhiều khó khăn. Cùng chồng, chị đảm đang, tảo tần xây dựng tổ ấm và nuôi dạy các con ăn học, thành đạt. Nói về chồng, chị Thu Hà quan niệm rằng: Hãy hiểu người đàn ông của mình. Chỉ là có những người đàn ông vốn tính vụng về, ngại phải tặng quà hay nói những lời “có cánh”, chứ thực tâm họ rất thương vợ, thương con. Hạnh phúc là cả đời chung sống với nhau chứ không phải chỉ bằng những hành động tức thời.
* * *
Phụ nữ rất nhạy cảm. Chỉ cần nhìn những cử chỉ nhỏ của người thân yêu xung quanh mình, họ có thể hiểu mình được yêu thương và quan tâm như thế nào. Hơn cả hoa, hơn cả quà, sự chân thành, yêu thương chia sẻ của người thân, chồng con, bè bạn mới thực sự là món quà giá trị nhất.
Hơn thế, họ mong muốn tình cảm ấy sẽ không chỉ được thể hiện trong một ngày…
HẢI YẾN