Triển vọng phát triển du lịch Tây Sơn
Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch Tây Sơn cùng đợt khảo sát các di tích, danh thắng, điểm đến mới trên địa bàn huyện do Hiệp hội Du lịch Bình Ðịnh và UBND huyện Tây Sơn vừa phối hợp tổ chức đã mở ra triển vọng mới về phát triển du lịch ở vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa này.
Dấu ấn Thuận Nghĩa
Làng rau VietGAP Thuận Nghĩa là ngôi làng nhỏ, đẹp và trù phú nằm ven bờ sông Côn, cách trung tâm thị trấn Phú Phong chưa đầy 3 km. Ở đó, những con đường bê tông phẳng phiu uốn lượn quanh làng, những vườn rau được phù sa sông Côn bồi đắp xanh mướt quanh năm, những ngôi nhà lá mái cổ kính đặc trưng kiến trúc Bình Định còn tồn tại… Thuận Nghĩa hội tụ các điều kiện để phát triển du lịch (DL) cộng đồng cũng như khai thác tour DL mùa đông.
Đường vào từ đường họ Quách ở Thuận Nghĩa.
Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của huyện Tây Sơn. Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho rằng: Hướng mở cho sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị kinh tế của rau sạch Thuận Nghĩa, chính là gắn sản xuất nông nghiệp với hoạt động DL. Huyện sẽ phối hợp với Sở DL và Hiệp hội DL tỉnh quy hoạch và đầu tư “trau chuốt” thêm cho Thuận Nghĩa, kêu gọi các DN lữ hành đưa khách về Thuận Nghĩa…
Không đợi đến khi huyện Tây Sơn hoàn thành quy hoạch phát triển DL cộng đồng làng rau Thuận Nghĩa, các DN lữ hành như: DL Miền Trung, Vietravel Quy Nhơn, Golden Life Travel đã cùng có chung ý tưởng xây dựng tour DL nhà vườn Thuận Nghĩa và đưa vào hoạt động ngay trong mùa mưa năm nay. Khách DL có thể đạp xe đạp thăm thú làng quê yên bình; tham quan việc sản xuất, sơ chế rau sạch, trải nghiệm làm nông dân trồng rau; tìm hiểu văn hóa, lịch sử địa phương, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt trong những ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi; thưởng thức những món ẩm thực truyền thống của làng; mua những món quà lưu niệm tại đây…
Một hàng rào cây xanh rất “mỹ thuật” ở Thuận Nghĩa.
Ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Giám đốc Công ty DL Miền Trung, chia sẻ ý tưởng: Trước đây, chúng tôi đưa khách từ sân bay Phù Cát theo QL 19B tham quan Bảo tàng Quang Trung - Đàn tế Trời Đất - Khu DL sinh thái Hầm Hô… Từ nay, xen vào chương trình này là sân bay - làng rau Thuận Nghĩa - Bảo tàng Quang Trung…, rất thuận đường đi. Hành trình bắt đầu từ nhà thờ họ Quách gắn với nhà thơ Quách Tấn, thành viên của nhóm Bàn Thành tứ hữu ở giai đoạn những năm 1936 - 1945, gồm các nhà thơ lớn của Bình Định nói riêng, Việt Nam nói chung: Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên. Chắc chắn sẽ có những câu chuyện hấp dẫn ở Thuận Nghĩa để du khách trải nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty Golden Liffe Travel, hào hứng cho biết: Tôi rất ngạc nhiên khi đối diện làng rau Thuận Nghĩa. Nơi đây hoàn toàn thích hợp cho cả khách Việt và khách Tây. Thuận Nghĩa sẽ được đưa vào kế hoạch phát triển sản phẩm mới của Golden Life Travel. Sau khi thu thập thêm thông tin, chúng tôi sẽ xây dựng, quảng bá và chào bán tour Thuận Nghĩa đến các DN lữ hành trong nước và khách DL…
Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế
Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội DL tỉnh, Tây Sơn có nhiều tiềm năng phát triển DL; vấn đề là biến tiềm năng thành sản phẩm DL cụ thể để thu hút du khách. Trong những năm qua, du khách đến Bình Định ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc du khách về huyện Tây Sơn cũng ngày càng tăng. Song, địa phương cũng phải chú trọng nâng cấp hạ tầng giao thông, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn… ở các di tích, điểm đến để phục vụ du khách tốt hơn.
Phần lớn du khách đến Bình Định đều dành thời gian để đến Tây Sơn thăm Bảo tàng Quang Trung, danh thắng Hầm Hô, tháp Dương Long… Đây là một lợi thế mà ít địa phương nào trong tỉnh có được. Tuy nhiên do thời gian tham quan của du khách chủ yếu là trong ngày, nên việc chi tiêu của du khách tại Tây Sơn có phần hạn chế. Mặt khác, các sản phẩm làng nghề, hàng lưu niệm chưa phong phú và hấp dẫn nên chưa kích thích du khách “móc hầu bao”.
Ông Nguyễn Phạm Kiên Trung cho rằng, để tăng lợi ích kinh tế và nguồn thu từ khách DL, huyện Tây Sơn cần khai thác thêm những tuyến, điểm DL hấp dẫn, kéo dài chương trình DL hơn 1 ngày nhằm tăng thêm bữa ăn, đêm lưu trú để kích thích chi tiêu. Bổ sung thêm di tích Gò Lăng - quê ngoại vua Quang Trung; thủy điện Văn Phong, trải nghiệm làng rau Thuận Nghĩa, thưởng thức cồng chiêng, lửa trại buổi tối tại làng dân tộc thiểu số xã Vĩnh An; hoặc trải nghiệm đêm Hầm Hô…
Triển khai quy hoạch và khuyến khích xây dựng các điểm bán hàng lưu niệm cho du khách để có nguồn thu từ khách DL. Lựa chọn, sản xuất những sản phẩm làng nghề độc đáo, đặc trưng, như rượu đậu xanh, rượu cần, hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực địa phương, quà lưu niệm về vua Quang Trung… để bán cho du khách. Đây là tiềm năng của một nguồn thu lớn mà địa phương chưa khai thác nhiều. Không chỉ bán sản phẩm riêng Tây Sơn, mà còn có những sản phẩm của các địa phương khác, vừa tạo sự phong phú về sản phẩm phục vụ du khách, vừa tạo giá trị gia tăng về thương mại.
NGUYÊN VŨ