Liên hoan làng, thôn, khu phố văn hóa toàn tỉnh năm 2018: Kết nối & sẻ chia
Tối 19.10, tại Tây Sơn, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh tổ chức Liên hoan làng, thôn, khu phố văn hóa tỉnh Bình Ðịnh năm 2018. Tham dự Liên hoan lần này có 6 làng, thôn, khu phố đại diện cho các địa phương: Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn cùng nhau tranh tài, giao lưu, học hỏi.
Theo Ban Tổ chức, Liên hoan năm nay tổ chức thành 2 cụm, cụm 1 tại Tây Sơn với 6 huyện, thị xã, thành phố phía Nam tỉnh, cụm 2 tại Hoài Nhơn có 5 huyện phía Bắc tỉnh. Sở dĩ Ban Tổ chức chọn tổ chức ở các huyện vì mong muốn Liên hoan có thể đến gần với người dân, lan tỏa và khơi dậy phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Phần thi “Xây dựng đời sống văn hóa” của làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh tạo ấn tượng cho người xem.
Liên hoan diễn ra gồm 2 phần thi: “Cùng nhau thi tài” và “Xây dựng đời sống văn hóa”. Ở phần thi “Cùng nhau thi tài” các đơn vị đem đến Liên hoan những món ăn đặc sản, gắn với kỷ niệm gia đình, thôn, làng như cá niên Vĩnh Thạnh, cà đắng Vân Canh, cua đồng, dé bò Tây Sơn... Những món ăn được trình bày đẹp mắt, gần gũi không chỉ bởi bàn tay khéo léo và còn bởi tình cảm yêu thương, tự hào đối với quê hương.
Chị Phạm Thị Hoa, ở thôn Phú Hòa, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, chia sẻ: “Chúng tôi đem đến Liên hoan những món ăn thân thuộc của quê hương như cua đồng, dé bò... vì theo chúng tôi, món ăn ngon nhất vẫn là món đặc sản quê hương mình. Liên hoan còn là cơ hội để chúng tôi giao lưu, học hỏi các đội bạn”.
Ở phần thi “Xây dựng đời sống văn hóa” các đội trình diễn, giới thiệu, phản ánh thực trạng địa phương trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh. Tại Liên hoan, bảo vệ môi trường là nội dung được nhiều đội tập trung phản ánh như Tây Sơn với tiểu phẩm “Thượng đế ra quân”, Tuy Phước với tiểu phẩm “Chuyện làng chuyện xóm”... Cùng với đó, tùy theo từng dân tộc, những làn điệu dân ca, điệu hò, điệu lý được thể hiện làm cho những tiết mục, tiểu phẩm thêm mềm mại, duyên dáng.
Tạo ấn tượng ngay từ giây phút đầu, đội thi huyện Vân Canh xuất hiện với tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang cùng những phụ nữ Chăm H’roi mềm mại trong điệu múa xoang và tiếng trống Kơ Toang đặc sắc. Ở tiết mục dân ca Chăm “Hát vui mùa lúa chín”, cảnh sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người Chăm H’roi được thể hiện vô cùng chân thật giúp người xem cảm giác như đang tham gia vui múa cùng những người Chăm H’roi trên sân khấu.
Năm 2001, toàn tỉnh có 67 làng, khu phố văn hóa, chiếm tỉ lệ 6,4%, đến đầu năm 2018 có 870 khu dân cư được công nhận danh hiệu Làng văn hóa, Thôn văn hóa, Khu phố văn hóa, đạt tỉ lệ 77%. Cùng với việc xây dựng các thiết chế văn hóa, các lễ hội truyền thống, di sản văn hóa cũng được giữ gìn và phát huy.
Chị Nguyễn Thị Tính, ở làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh chia sẻ: “Kơ Toang là loại trống độc đáo của người Chăm H’roi, được gọi là trống giao duyên, mọi sinh hoạt, mọi cuộc trò chuyện, tỏ tình với nhau đều qua tiếng trống. Kơ Toang là niềm tự hào của người Chăm H’roi chúng tôi. Tiếng trống gần gũi, gắn bó từ các lễ hội đến cuộc sống thường nhật, qua đó xoa dịu những vất vả trong đời sống thường nhật, làm tinh thần con người phấn chấn hơn”.
Ông Trương Đông Hải, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Phong trào xây dựng làng, thôn, khu phố văn hóa được phát động cách đây gần 20 năm, bên cạnh các hoạt động xây dựng quy ước, hương ước của làng, thôn, khu phố thì có rất nhiều hoạt động bổ trợ, trong đó có Liên hoan các làng, thôn, khu phố văn hóa. Các cuộc Liên hoan nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, nâng cao ý thức của người dân trong việc chung tay xây dựng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương”.
THẢO KHUY
Nếu như trong bài viết sử dụng "những cô gái Chăm H'roi" thay cho từ "phụ nữ" thì hợp lý hơn. Bởi như trong hình thì đa số những người múa còn rất trẻ, lớn tuổi nhất sinh năm 1990 và nhỏ tuổi nhất sinh năm 2000. Và món ăn của Vân Canh thì không phải tên là cà đắng.