Nên tầm soát bệnh gan mật
Hệ gan mật là một phần của hệ thống tiêu hóa có vai trò rất quan trọng trong cơ thể, với các chức năng: tạo mật, dẫn mật và lưu trữ mật; chuyển hóa glucid, protid và lipid; thải độc, dự trữ máu, năng lượng, yếu tố vi lượng và vitamin. Vì vậy, khi hệ gan mật bị tổn thương sẽ dễ ảnh hưởng đến nhiều chức năng trên ở các mức độ khác nhau.
Nên nghĩ đến bệnh gan mật khi có một hoặc nhiều các triệu chứng và yếu tố nguy cơ sau: Đau tức vùng hạ sườn phải âm ỉ hoặc dữ dội, cám giác chướng bụng, chậm tiêu, sợ thức ăn mỡ…
Bác sĩ Bành Quang Khải - Trưởng khoa Nội, BVĐK TP Quy Nhơn, cho biết: “Nên nghĩ đến bệnh gan mật khi có một hoặc nhiều các triệu chứng và yếu tố nguy cơ sau: Đau tức vùng hạ sườn phải âm ỉ hoặc dữ dội, cảm giác chướng bụng, chậm tiêu, sợ thức ăn mỡ, đại tiện phân lỏng kéo dài. Da và kết mạc mắt vàng, tiểu vàng đậm, phân bạc màu, ngứa ngoài da. Mệt mỏi kéo dài, sụt cân, sốt không rõ nguyên nhân. Hoặc người có tiền sử bị phơi nhiễm với vi-rút viêm gan B, C hoặc có người thân bị viêm gan B, C. Đã hoặc đang dùng các thuốc dễ gây ảnh hưởng gan: thuốc trị lao, thuốc hạ mỡ máu, thuốc giảm đau. Có thói quen sử dụng nhiều rượu bia”.
Sau khi được thăm khám, tùy vào chẩn đoán lâm sàng mà bác sĩ sẽ chỉ định các thăm dò cần thiết như: Xét nghiệm đánh giá tổn thương tế bào gan, đánh giá chức năng gan, xét nghiệm dấu ấn vi-rút viêm gan các loại; siêu âm, chụp cắt lớp vi tính gan mật tầm soát các bệnh abcess gan, u gan, sán lá gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ, sỏi đường mật, u đường mật, tắc nghẽn đường mật, ung thư gan, ung thư đường mật… Ngoài ra, còn có các kỹ thuật khác như: Fibroscan (đo độ đàn hồi gan góp phần đánh giá mức độ tổn thương gan do xơ gan, viêm gan vi-rút), chụp đường mật ngược dòng qua nội soi, sinh thiết gan…
Những người có dấu hiệu nghi ngờ hoặc có yếu tố nguy cơ nên đi khám sớm để phát hiện bệnh kịp thời. Việc lựa chọn phương pháp thăm dò và hướng theo dõi sẽ do bác sĩ chuyên khoa quyết định.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm TT-GDSK tỉnh)