Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật
Các hành vi về tội gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2018. Thế nhưng trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, những quy định này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định...
Chậm ban hành văn bản hướng dẫn
Sau gần một năm luật chính thức có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn những quy định liên quan các tội về hành vi trục lợi, trốn đóng, nợ đọng các loại BHXH, BHYT vẫn chưa ra đời. Theo thông tin của BHXH Việt Nam, đến nay mới chỉ có BHXH thành phố Hồ Chí Minh gửi hồ sơ của một công ty nợ đọng BHXH sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: PHẠM CHÍNH
Tại hội thảo khoa học “Các giải pháp triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp” do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Vụ trưởng Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Trần Văn Dũng cho biết: Hiện nay, việc gian lận, trục lợi trong lĩnh vực BHXH, BHYT có tính chất tương đối phổ biến, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người dân, mà còn gây ra những hậu quả rất lớn cho sự ổn định và phát triển của chính sách an sinh xã hội (ASXH), ảnh hưởng mục tiêu thu hút đầu tư của Đảng và Nhà nước. Nhất là, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế và hội nhập, thì việc bảo đảm sự ổn định và phát triển của chính sách ASXH, bảo vệ lực lượng lao động là một yêu cầu tất yếu.
Trước yêu cầu đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm bốn tội danh liên quan lĩnh vực này, đó là tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận BHYT (Điều 215) và tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216). Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong chính sách hình sự và tư duy lập pháp hình sự của Nhà nước ta. Lần đầu trong lịch sử lập pháp hình sự, Bộ luật Hình sự quy định trách nhiệm hình sự của tổ chức - pháp nhân thương mại. Điều này đã làm thay đổi tư duy có tính truyền thống về tội phạm và hình phạt, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện ở Việt Nam những năm gần đây.
Phó Vụ trưởng Pháp chế và Quản lý khoa học (Tòa án Nhân dân tối cao) TS Nguyễn Chí Công cũng cho rằng, để các quy định nêu trên của Bộ luật Hình sự được áp dụng thống nhất, đúng quy định, thì cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Cụ thể, về tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm và thực tiễn thi hành thời gian qua, có một số vấn đề cần phải hướng dẫn trong nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán liên quan khái niệm, tình tiết trong các điều luật, như: gian lận BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; trốn đóng bảo hiểm; thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp...
Để nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự, đại diện Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) Hồ Quang Hùng kiến nghị, Bộ Công an cần chủ động phối hợp hoặc phối hợp tích cực với Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, TAND tối cao và BHXH Việt Nam, phải sớm ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng các điều luật quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trong lĩnh vực này. Bên cạnh ba tội danh đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, nên bổ sung thêm quy định về xử lý hình sự đối với những hành vi phạm tội khác liên quan công tác quản lý và thực hiện BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thay vì vẫn cần viện dẫn các điều luật khác trong Bộ luật Hình sự để xử lý như hiện nay.
Ngoài ra, Chính phủ cần ban hành Nghị định riêng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, trên cơ sở tách bạch Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22.8.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; từ đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, cho phép xử lý hiệu quả các hành vi phạm tội về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp…
Cần sớm có giải pháp thực hiện các quy định của Luật
Là cơ quan đại diện cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, thực trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH đang gây ra những thiệt hại không nhỏ cho người lao động. Tình hình vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của các pháp nhân là doanh nghiệp đang diễn ra khá phổ biến, có xu thế tăng dần, với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nhiều vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, cần có các giải pháp để nhanh chóng thực hiện các quy định của Bộ luật Hình sự.
Việc quy định các tội danh là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và hành vi vi phạm quyền thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Để làm được điều này, cần dựa trên các dấu hiệu phạm tội, như: Khách thể của tội phạm gian lận BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm và chủ thể của tội phạm. Đồng thời, phải có đủ các chứng cứ chứng minh tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với các dấu hiệu nêu trên, như: Vật chứng, tài liệu, giấy tờ; lời khai người làm chứng, lời khai của bị can và bị cáo; kết luận giám định, biên bản khám xét, khám nghiệm và các hình thức chứng cứ khác…
Để xác định, thu thập được những yếu tố đó, BHXH Việt Nam phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra; thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của mình. Đây là bước rất quan trọng để có thể tiến tới xử lý hình sự các đơn vị, cá nhân vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT.
Nhằm khắc phục tình trạng này, hiện tại, BHXH Việt Nam vẫn đang tích cực thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Qua thanh tra, cơ quan BHXH đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và thu hồi được nhiều khoản nợ đọng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, người lao động. BHXH Việt Nam cho rằng, đây là bước quan trọng để có thể tiến tới xử lý hình sự các đơn vị, cá nhân vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT. Do đó, sẽ cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH như: hoàn thiện quy định về công tác thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra…
Bên cạnh việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, các chuyên gia cũng gợi mở, đề xuất BHXH Việt Nam có thể thực hiện quyền kiến nghị khởi tố với những đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo Bộ luật Hình sự sang cơ quan điều tra. Khi đó, cơ quan điều tra phải có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh, điều tra, trả lời và xem xét khởi tố theo quy định của pháp luật. Đồng thời, ngành BHXH cũng cần thông tin rộng rãi tình hình nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường tuyên truyền về các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT được hình sự hóa tại Bộ luật Hình sự… nhằm tăng tính cảnh báo, răn đe với các vi phạm.
Theo ANH THU (NDĐT)