Canada 'tiếp tay’ Trung Quốc lắp thiết bị giám sát gần căn cứ Hải quân Mỹ
Giới chức Canada đã "tiếp tay" để các nhà khoa học Trung Quốc lắp đặt 4 thiết bị giám sát tại khu vực chỉ cách bờ biển Mỹ 300 km, gần căn cứ hải quân quan trọng của nước này.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 22.10 đưa tin những thiết bị cảm biến công nghệ cao này có chức năng giám sát môi trường dưới nước, được kết nối với các cơ sở quan sát hàng hải mang tên Hệ thống Biển Canada (ONC).
Trường Đại học Victoria ở British Columbia (Canada) là nơi vận hành ONC nhưng 4 thiết bị cảm biến giám sát mới lại thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Biển sâu Tam Á của Trung Quốc.
Tàu lặn điều khiển từ xa của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Canada đã lắp đặt các thiết bị cảm ứng. Ảnh: SCMP
Ngày 27.6, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Canada đã lắp các thiết bị cảm biến tại eo biển Juan de Fuca. Những thiết bị này khi đi vào hoạt động có khả năng truyền dữ liệu thực tiễn về các trung tâm nằm dưới sự kiểm soát của Viện Khoa học và Công nghệ Biển sâu Tam Á tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).
Phía Trung Quốc cho biết những thông tin này sẽ hỗ trợ các nhà khoa học hiểu rõ hơn về môi trường biển ở khu vực gần với Mỹ cũng như cách hoạt động của ONC. ONC là đơn vị chuyên về nghiên cứu khoa học nhưng theo kênh CBC News đưa tin năm 2017, ONC cũng có một hợp đồng quốc phòng trợ lực cho quân đội Canada giám sát vùng biển Bắc cực.
Vịnh Juan de Fuca là một trong những khu vực biển “nhộn nhịp” nhất trên thế giới. Nằm không xa Vịnh Juan de Fuca, ở phía Nam thành phố Seattle (Mỹ), nơi đặt Căn cứ Hải quân Kitsap.
Nhà nghiên cứu Chen Hongqiao tại Trường Đại Học Nghiên cứu Quốc tế Quảng Đông (Trung Quốc) nhận định: “Hệ thống giám sát dưới biển sâu thường vô cùng nhạy cảm, liên quan tới an ninh quốc gia. Các quốc gia không mời bên thứ 3 tham gia trừ khi có tin tưởng ở cấp cao”. Vào năm 2013, Trung Quốc và Canada đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác quan sát hàng hải.
Giáo sư Xin Qiang tại Đại học Fudan ở Thượng Hải đánh giá Mỹ nhiều khả năng sẽ phản ứng về hợp tác lắp đặt thiết bị dưới biển khá nhạy cảm này giữa Canada và Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Canada chưa lên tiếng phản hồi về diễn biến mới này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố “không có gì để bình luận” về vấn đề.
Theo Hà Linh (Báo Tin tức)