Lắng nghe từ cơ sở
Sắp tới, Ban Văn hóa - Xã hội của HÐND tỉnh sẽ giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2017. Trước đó, Ban Dân tộc HÐND tỉnh cũng đã giám sát nội dung tương tự. Ðây là những hoạt động nhằm nắm bắt tình hình hoạt động văn hóa ở cơ sở, đồng thời cũng là cơ hội để các cơ sở trình bày tiếng nói từ địa phương.
Đoàn Giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh gặp gỡ, trò chuyện cùng nghệ nhân, già làng tại làng Suối Mây, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh.
So với những kỳ họp HĐND trước, kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XII tới đây, lĩnh vực văn hóa sẽ được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là ở lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng các di sản văn hóa. Để chuẩn bị cho kỳ họp, cách đây mấy tuần, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã triển khai giám sát tình hình bảo tồn và kết quả thực hiện chính sách phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 huyện miền núi: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh và Sở VH&TT.
Ông Đinh Yang King, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát, cho biết: “Không chỉ làm việc với người quản lý văn hóa, chúng tôi còn trực tiếp trò chuyện, lắng nghe tâm tư của người dân địa phương, những nghệ nhân, già làng, nhờ đó mới thấu hiểu và ghi nhận chính xác nguyện vọng của đồng bào từng dân tộc“.
Nghệ nhân Đinh Kim bày tỏ trong dịp Ban Dân tộc đi thực tế tại làng M2, xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh): “Tôi đã đến từng nhà vận động thanh niên tập đánh cồng chiêng, tập múa xoang. Giờ tụi nó đã biết đánh cồng chiêng, múa xoang, chúng tôi muốn Nhà nước giúp tổ chức cuộc thi, hội diễn để chúng nó thi đua, có vậy mới thêm ham mê luyện tập nhiều hơn”. Trước đó, tại An Lão, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội ở xã An Vinh cũng tha thiết với đề xuất tương tự. Ban Dân tộc cũng đã ghi nhận đề xuất và hứa sẽ tổng hợp trình lên HĐND vào kỳ họp sắp tới.
Trong khuôn khổ đợt giám sát của Ban Dân tộc, 3 huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh được hướng dẫn một số cách thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn như: cách quan tâm đến đội ngũ nghệ nhân, những người trực tiếp nắm giữ văn hóa truyền thống dân tộc họ; phương pháp đào tạo - động viên thế hệ trẻ… Những nội dung này có tác động khá tích cực đến lãnh đạo, cán bộ chuyên môn ở các địa phương. Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, tâm đắc: “Về trách nhiệm của địa phương, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ nghệ nhân, tổ chức các lớp cồng chiêng mà đối tượng dễ truyền dạy nhất là học sinh. Vân Canh sẽ xây dựng kế hoạch riêng để bồi dưỡng nhóm đối tượng này”.
Theo bà Huỳnh Thúy Vân, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát, mục đích của việc giám sát lần này là đánh giá hiệu quả các chính sách của nhà nước trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa; phân tích kết quả đạt được và những hạn chế, xác định nguyên nhân để kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Theo kế hoạch của Ban Văn hóa - Xã hội, các địa phương, đơn vị như: Tây Sơn, Phù Cát, TX An Nhơn, Tuy Phước, Sở VH&TT, Bảo tàng Quang Trung sẽ được giám sát trực tiếp; những địa phương còn lại sẽ giám sát theo hình thức gián tiếp. Nội dung giám sát sẽ tập trung vào các điểm: Thực trạng các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn địa phương; tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa…
Đặc biệt, những tồn tại, hạn chế trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa sẽ được thảo luận để đưa ra cách giải quyết. Cùng với đó, Đoàn Giám sát sẽ ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các địa phương để tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND tỉnh và trình tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XII.
Hy vọng, qua đợt giám sát và qua kỳ họp HĐND tỉnh, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh sẽ được quan tâm, đầu tư hơn.
THẢO KHUY