Viếng mộ danh sĩ Ðặng Ðức Siêu
Tại núi Hương, xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn có một ngôi mộ cổ niên đại khoảng 200 năm còn khá nguyên vẹn. Ngôi mộ này được nhiều người biết đến nhưng lại ít ai biết rằng đây là nơi yên nghỉ của một danh sĩ, trừ những người trong thân tộc họ Ðặng.
Hướng cổng chính ngôi mộ Đặng Đức Siêu.
Người yên nghỉ trong ngôi mộ cổ kể trên là Đặng Đức Siêu (1750 -1810), Thượng thư bộ Lễ đầu tiên của nhà Nguyễn. Danh sĩ Đặng Đức Siêu sinh ra trong một gia đình nhà Nho và làm thuốc ở thôn Vĩnh Phụng, xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn. Ông đỗ Cử nhân năm mới 16 tuổi vào thời chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1766-1777), sau đó được bổ làm quan ở Hàn Lâm Viện tại Phú Xuân.
Nhờ người dân địa phương dẫn lối, sau khi len lỏi qua một cánh rừng thưa, cắt lối qua những bụi gai rậm, tới giữa sườn núi Hương, thuộc thôn Vĩnh Phụng, xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn, tôi đến nơi Đặng Đức Siêu yên nghỉ. Ngôi mộ cổ tọa lạc ở một nơi quang đãng, địa thế rất đẹp “tựa sơn hướng thủy”, mặt chính của ngôi mộ quay về hướng đông bắc. Tuy ở giữa sườn núi nhưng ngôi mộ nằm trên một khuôn viên rộng và bằng phẳng có diện tích khoảng 300 m2, nền đất được kè bằng đá tự nhiên xếp chồng lên nhau rất kiên cố, còn khá nguyên vẹn; có hai lớp tường bao quanh nấm mộ, lớp tường bên ngoài có bình diện chữ nhật chiều dài gần 9 m, chiều rộng khoảng 7 m, bề dày tường 0,45 m, chiều cao từ đất lên khoảng 1 m, bốn góc tường bắt vuông vức. Mộ xây bằng hợp chất vôi vữa, mật mía, đá ong và đá tự nhiên (một cách thức xây dựng mộ khá phổ biến thế kỷ XVII-XIX).
Cả lăng mộ chỉ có 2 trụ biểu ở hướng chính diện là cửa bước vào khu mộ, trụ biểu là khối hình trụ vuông (rộng 0,55 m, cao 1,2 m). Điểm kỳ lạ là khu mộ cực kỳ giản dị, toàn bộ khuôn viên không có bình phong tiền và hậu, đây là điều rất đặc biệt bởi như đã nói Đặng Đức Siêu là một danh thần nếu không muốn nói là dự vào hàng khai quốc công thần của nhà Nguyễn.
Cổng mộ rộng chừng 1,6 m. Cách cổng khoảng 1 m là tấm bia đá màu trắng hồng (1 m x 0,5 m x 0,15 m), bốn cạnh có viền hoa văn rồng - lá tinh tế, trên có khắc chữ Hán: Lễ bộ Thượng thư tặng Vinh lộc đại phu Trụ quốc Thiếu sư Hiệp biện Đại học sĩ, thụy Đôn nhã Đặng công chi mộ. Đây là thông tin quan trọng để khẳng định chủ nhân của ngôi mộ là Đặng Đức Siêu, Thượng thư bộ Lễ đầu tiên của triều nhà Nguyễn và niên đại ngôi mộ cổ này vào khoảng 200 năm.
Khuôn viên bên trong ngôi mộ Đặng Đức Siêu.
Như đã kể ở trên, Đặng Đức Siêu nổi tiếng thông minh học giỏi từ nhỏ, năm 1776 khi mới 16 tuổi ông dự thi và đỗ ngay Cử nhân, được xem là người khai khoa cử nhân của tỉnh Bình Định.
Năm 1798, ông vào Nam theo phò Nguyễn Ánh được trao chức Tham mưu.
Đặng Đức Siêu là người tài kiêm văn võ, không chỉ tham mưu cho vua Gia Long nhiều sách lược thời chiến, mà cả trong thời bình, ông là người trợ giúp đắc lực cho triều đình trong việc định luật lệ, điển chế, ổn định kinh tế - xã hội, vỗ về dân chúng trong buổi đầu lập quốc, nhất là sau nhiều năm ly tán bởi giặc giã liên miên. Năm 1809, ông được vua Gia Long tin dùng, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ. Về văn nghiệp, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng, đặc biệt là các bài văn tế: “Văn tế Bá Đa Lộc”, “Văn tế Võ Tánh và Ngô Tòng Châu”.
Sau khi mất, Đặng Đức Siêu được truy tặng nhiều danh hiệu, năm 1825, ông được vua Minh Mạng truy tặng là Thiếu sư, Hiệp biện Đại học sĩ. Đến đời vua Tự Đức, ông được đưa vào thờ ở miếu Trung hưng công thần; vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngữ được xếp vào hàng liệt nữ.
GIA CÁT ÐỆ