Người “có duyên” hòa giải
Tại thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn, bà Lê Thị Kim Thanh (51 tuổi, chi hội trưởng hội phụ nữ thôn) là cái tên khá quen thuộc với các cặp vợ chồng. Bởi bà Thanh là người chuyên gỡ rối, giải quyết các mối bất hòa ở địa phương, nhất là chuyện gia đình.
Bà Lê Thị Kim Thanh (bìa phải) cùng chị em trong thôn bàn cách hòa giải mâu thuẫn của một gia đình.
Bà Thanh làm công tác phụ nữ thôn đã 18 năm. Với sự nhiệt tình, năng nổ trong công việc và sống gương mẫu, bà luôn được người dân tin yêu. Khi được hỏi vì sao phải bỏ nhiều thời gian, tâm huyết để giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp các gia đình, nhất là vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, bà Thanh cười bảo: “Gia đình nào cũng vậy, có yên bình thì mới hạnh phúc. Tui đã có tuổi, đã trải sự đời nên chín chắn hơn và được người dân tin tưởng bầu làm tổ trưởng hòa giải nên phải cố gắng vì mọi người”. Trung bình mỗi năm bà Thanh giải quyết 5 - 8 vụ bất hòa. Riêng trong năm nay, bà đã hòa giải 4 vụ việc về bạo lực gia đình.
Mới đây, vợ chồng anh P. chị V. lục đục vì chuyện sinh con thứ ba. Anh chị đã có hai con gái, mẹ chồng chị V. cương quyết bắt con trai thuyết phục vợ đẻ thêm đứa thứ ba. Chị V. đã tâm sự nhờ bà Thanh giúp đỡ. Bà Thanh đã đến gặp mẹ chồng, chồng của chị V. để nắm rõ thông tin. Bà Thanh xác định, mẹ chồng chị V. thì rất khó thuyết phục vì còn rất nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Vậy nên, bà đã cùng chị V. tìm mọi cách gặp gỡ, trò chuyện anh P.. Bà Thanh kể: “Tôi tìm chuyện về những gia đình có con gái thành đạt, con trai phá làng phá xóm ở xã kể cho anh P. nghe. Chị V. thì cứ nhỏ nhẹ khuyên nhủ chồng chăm sóc hai con gái chu đáo, thành đạt. Khi anh P. đã hiểu chuyện chỉ nên dừng ở hai con để nuôi dạy cho tốt thì quay ra thuyết phục được mẹ mình”.
Bà Thanh chia sẻ, muốn làm tốt công tác hòa giải, không chỉ làm một mình, phải biết kết hợp với các thành viên trong tổ và các tổ chức, đoàn thể liên quan. Có nhiều vụ việc phải cần thời gian lâu dài mới hòa giải được. Có vụ việc, người hòa giải phải nâng cao kiến thức, kỹ năng giao tiếp và quan trọng là có nhiệt huyết thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Rất nhiều vụ tranh chấp tường rào, cổng ngõ, đất đai… xảy ra trong làng xóm, bà Thanh đã kịp thời can thiệp, giải thích đúng sai, nhờ đó mà giữ được tình làng nghĩa xóm.
“Trong quá trình hòa giải, phải tranh thủ tiếng nói của những người có uy tín; với những vụ việc nghiêm trọng, cần phải có sự hỗ trợ từ chính quyền. Sau mỗi vụ việc, các thành viên trong tổ ngồi lại với nhau, họp bàn rút kinh nghiệm. Đồng thời, lên kế hoạch tiếp tục theo dõi vụ việc để giải quyết triệt để vấn đề”, bà Thanh nói.
CÔNG HIẾU