Ðề án Ðổi mới, phát triển trợ giúp xã hội: Những bước đi đầu tiên
Nhằm phát huy nội lực, lợi thế của tỉnh, tranh thủ tối đa nguồn lực khác để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tự đảm bảo an sinh, UBND tỉnh đã ban hành Ðề án “Ðổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Đề án trên có nhiệm vụ: áp dụng thực hiện chính sách trợ cấp xã hội theo quy định của Chính phủ; tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp theo quy định của Chính phủ; xây dựng mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội; quản lý, tổ chức thực hiện trợ giúp xã hội; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội... Ngành LĐ-TB&XH đang triển khai các bước đi để đạt các mục tiêu đề ra.
Sở LĐ-TB&XH tổ chức tọa đàm nhân Ngày Công tác xã hội Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về nghề, ghi nhận vai trò của người làm công tác xã hội.
Tập trung trợ giúp xã hội
Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21.10.2013 của Chính phủ, ngành LĐ-TB&XH đã hướng dẫn các địa phương thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách trợ giúp các đối tượng xã hội theo quy định. Trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã thực hiện chi trợ cấp xã hội hàng tháng cho 77.785 đối tượng sống tại cộng đồng, tổng kinh phí khoảng 297 tỉ đồng. Ngoài ra, ngành còn hướng dẫn địa phương và các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) tiếp nhận đối tượng BTXH. Hiện, các cơ sở BTXH trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tập trung 704 đối tượng yếu thế.
Hoạt động trợ giúp xã hội đột xuất cũng đạt nhiều kết quả khả quan khi phối hợp các sở, ngành và địa phương phân bổ, cấp phát hơn 3.143 tấn gạo hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai cuối năm 2017; hỗ trợ 5 gia đình có người thiệt mạng, bị thương nặng do thiên tai với tổng kinh phí 24 triệu đồng.
Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cũng được chú trọng. Đến nay, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại một số xã, các điểm chi trả chính sách BTXH và Phòng LĐ-TB&XH các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Vân Canh, Tuy Phước, Hoài Nhơn, Tây Sơn, TX An Nhơn, Trung tâm Công tác xã hội và BTXH tỉnh, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. Qua đó, ghi nhận những mặt tích cực cũng như những tồn tại mà địa phương cần phải khắc phục để triển khai thực hiện chính sách BTXH ngày một tốt hơn.
Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn.
Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác xã hội
Góp phần tôn vinh, ghi nhận vai trò, những đóng góp của người làm công tác xã hội (CTXH), đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhân Ngày CTXH Việt Nam (25.3), Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản đề nghị địa phương, các cơ sở BTXH tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Sở cũng tổ chức buổi tọa đàm tại Trung tâm CTXH và BTXH tỉnh, in cờ phướn tuyên truyền về nghề trong dịp này.
“CTXH vẫn là một nghề còn khá mới trong nhận thức của cộng đồng. Các hoạt động tuyên truyền sẽ thu hút sự quan tâm của người dân đối với nghề CTXH. Mặt khác, những người làm nghề cũng cần phía cơ quan quản lý động viên, ghi nhận kịp thời để có thêm động lực gắn bó với nghề bởi tính chất của công việc khá vất vả, nhọc nhằn. Ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trao đổi: Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục ghi nhận sự đóng góp của họ trong việc góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội. Mặt khác, Sở đã trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí triển khai đào tạo Trung cấp CTXH khóa 2017 - 2019 cho 14 học viên là cán bộ làm cộng tác viên CTXH, cán bộ văn hóa xã hội ở xã, phường, thị trấn”.
9 tháng đầu năm 2018, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội. Phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch rà soát hệ thống các cơ sở tôn giáo chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi. Trung tâm CTXH và BTXH tỉnh thực hiện quản lý cho 40 đối tượng BTXH có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng.
Mục tiêu Đề án:
+ Giai đoạn 2017 - 2020: 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng đối tượng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội; 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 10% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.
+ Giai đoạn 2021 - 2025: 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng; có chính sách trợ giúp đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH được hưởng trợ cấp xã hội; 70% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu.
NGUYỄN MUỘI