Hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số: Quan trọng nhất là chỉ “cách câu”
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 24.10, thảo luận tại tổ về tình hình phát triển KT-XH năm 2018, ĐBQH Đặng Hoài Tân (Đoàn Bình Định) thống nhất với báo cáo của Chính phủ về những kết quả đạt được trong năm 2018.
Đại biểu Đặng Hoài Tân phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 24.10.
Phân tích nguyên nhân hạn chế về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đại biểu Tân cho rằng: đời sống của nông dân được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn; việc kiểm soát vật tư đầu vào của nông nghiệp còn hạn chế; DN mới chỉ chủ yếu đầu tư vào nông nghiệp ở khâu cung ứng vật tư, ít đầu tư cho khâu bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa còn phổ biến...
Kiến nghị một số giải pháp thực hiện trong năm 2019, đại biểu Tân nhấn mạnh cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp; nâng mức xử phạt đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; nâng mức hỗ trợ ưu đãi cho các DN đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước…
Về kết quả 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đại biểu Tân khẳng định các chính sách đã phát huy hiệu quả rất tốt, như: cơ sở hạ tầng được xây dựng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, các thiết chế văn hóa đã phát huy hiệu quả.
“Hỗ trợ “cần câu” cho đồng bào dân tộc thiểu số là cần thiết, tuy nhiên điều quan trọng hơn là phải chỉ cho họ “cách câu”. Theo đó, cần từng bước thay đổi tập quán sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh giao khoán rừng, tăng mức hỗ trợ khoán bảo vệ và chăm sóc rừng”, ông Tân đề xuất.
Ngoài ra, đại biểu Tân còn đề nghị tăng cường xây dựng cơ sở vật chất giáo dục và y tế đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là bổ sung trang thiết bị y tế cho các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
SỸ NGUYÊN