Tây Sơn: Đưa vào sản xuất, đời sống nhiều mô hình ứng dụng KH&CN
Sau 2 năm thực hiện Kế hoạch 25-KH/HU về “Phát triển KH&CN giai đoạn 2016 - 2020” của Huyện ủy Tây Sơn, đã có nhiều mô hình nghiên cứu, ứng dụng KHKT vào sản xuất và đời sống.
Ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN có nhiều chuyển biến trong khảo sát, thu thập thông tin cung cấp luận cứ khoa học, phục vụ công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Từng bước ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải sinh học và chăn nuôi. Công tác kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các điểm khai thác tài nguyên được chú trọng thực hiện.
Đáng chú ý, nhiều ứng dụng khoa học trong phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiện đại, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, ứng dụng chế phẩm sinh học Biorat để diệt chuột trong sản xuất lúa trên diện tích 1.250 ha tại 14 xã, thị trấn; xây dựng và ứng dụng các mô hình sản xuất giống mới; ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cây bưởi da xanh, chế phẩm Trichodemar phòng trừ bệnh thối thân, thối rễ cây ớt… Tiếp tục nhân rộng phương pháp thụ tinh nhân tạo bò trên 11.295 con, đạt 90%; tiếp tục triển khai Chương trình Khí sinh học thuộc Dự án LCASP; xây dựng mô hình nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao (giống bò BBB và Red Angus) ở giai đoạn bê con ở một số xã…
UBND huyện cũng đã phối hợp Trung tâm Thông tin thống kê KH&CN (Sở KH&CN) xây dựng, phát triển bảo hộ độc quyền nhãn hiệu trên toàn quốc đối với các sản phẩm đặc trưng địa phương, như: rượu đậu xanh Tây Sơn, nón lá Thuận Hạnh.
THU HIỀN