Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo
Theo Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Thơm, những ưu điểm nổi bật của Luật Tố cáo năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019) là tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo; quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo...
Thời hạn giải quyết tố cáo: không quá 30 ngày!
* Xin ông cho biết cụ thể điểm mới nào của Luật Tố cáo (LTC) 2018 góp phần khắc phục những bất cập trong giải quyết tố cáo?
- LTC 2018 đã bổ sung một số quy định mới nhằm quy định chi tiết, cụ thể hơn về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo. Đáng chú ý thời hạn giải quyết tố cáo giảm từ 60 ngày như LTC 2011 xuống còn không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp có thể gia hạn 1 lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp có thể gia hạn 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Luật cũng quy định rõ thời gian xử lý tố cáo. Theo đó, chậm nhất 7 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, căn cứ nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải tiến hành xử lý tố cáo.
Về công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, LTC 2018 bổ sung thêm hình thức “đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của người đã giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo”.
Bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo
* Lâu nay, một vấn đề quan trọng được nhiều người quan tâm là bảo vệ người tố cáo để họ yên tâm thực hiện quyền của mình. LTC 2018 quy định về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
"Ðối với tố cáo nặc danh, mạo danh; nếu thông tin tố cáo có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý”.
Chánh Thanh tra tỉnh NGUYỄN VĂN THƠM
- LTC 2018 đã dành riêng một chương quy định về bảo vệ người tố cáo. Người được bảo vệ bao gồm: người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Phạm vi bảo vệ gồm: bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm.
Trách nhiệm bảo vệ trước hết thuộc về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Bên cạnh đó, các cơ quan khác trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo và những người thân thích của họ. Đó là cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo; cơ quan CA; cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động; UBND, công đoàn các cấp...
Luật cũng quy định cụ thể về việc đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ; thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ nếu xét thấy cần thiết hoặc trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ; chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ.
Luật Tố cáo 2018 đã quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo.
- Trong ảnh: Thanh tra tỉnh tổ chức tập huấn, triển khai phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.
Khắc phục tố cáo tràn lan
* Thời gian gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có chiều hướng phức tạp. Theo ông, LTC 2018 có quy định nào giúp “hạ nhiệt” tình hình trên?
- Theo thống kê của Thanh tra tỉnh, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, xử lý bình quân mỗi năm trên 4.000 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đáng chú ý là phổ biến tình trạng công dân có tâm lý nôn nóng, muốn đơn thư được giải quyết nhanh chóng nên cùng một nội dung thường gửi đơn đến nhiều cấp, nhiều ngành.
Đối với đơn tố cáo được gửi đến nhiều nơi, LTC 2018 có quy định mới: trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân (trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết) hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý. Quy định này nhằm tránh tình trạng người tố cáo gửi đơn tố cáo tràn lan, vượt cấp; đồng thời đảm bảo tính hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền.
Về hình thức tố cáo, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, LTC mới vẫn tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo như LTC 2011, đó là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)