Chế tài với hành vi uống rượu bia gây tai nạn giao thông
Hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi nồng độ cồn vượt quá cao so với quy định, gây ra tai nạn giao thông, là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008.
Việc xác định mức hình phạt cụ thể tùy thuộc vào kết luận điều tra chính thức của cơ quan chức năng.
Theo pháp luật hiện hành, hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi nồng độ cồn vượt quá cao so với quy định, gây ra tai nạn giao thông sẽ phải chịu các trách nhiệm về hành chính, dân sự và cả về hình sự.
Điều 5 Nghị định 46/2016 quy định cụ thể các khung hình phạt liên quan đến hành vi điều khiển ô tô khi nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở vượt quá mức quy định.
Theo đó, mức hình phạt tối thiểu là phạt tiền 2 - 3 triệu đồng, mức hình phạt tối đa là phạt tiền lên đến 18 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện giao thông còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 6 tháng, tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Về trách nhiệm dân sự, người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định cấm về nồng độ cồn gây tai nạn giao thông phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 589, 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015).
Về trách nhiệm hình sự, hành vi điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định cấm về nồng độ cồn gây tai nạn có thể cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015). Theo đó, mức hình phạt tối thiểu đối với hành vi này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, mức hình phạt tối đa là phạt tù lên đến 15 năm.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)
Theo SGGP