Việc dạy thêm, học thêm ở TP Quy Nhơn: Cần quản lý tốt hơn
Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức giám sát về tình hình dạy thêm, học thêm tại một số trường học ở TP Quy Nhơn. Tuy không phát hiện dấu hiệu vi phạm nào, song việc tổ chức dạy thêm, học thêm và công tác quản lý vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.
Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát tình hình dạy thêm học thêm (DTHT) ở các trường: THCS Trần Hưng Đạo, THPT Trưng Vương, cơ sở DT số 10 Nguyễn Nhạc và làm việc với Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn.
Tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, có tổ chức 18 lớp DT với 15 giáo viên được cấp phép DT trong nhà trường; mức thu học phí 5.000 đồng/tiết/học sinh. Nhà trường cũng đã cho phép 11 giáo viên của trường được DT tại các cơ sở DT ngoài nhà trường đã được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động. Còn tại Trường THPT Trưng vương, có tổ chức 33 lớp DT với 51 giáo viên được cấp phép DT trong nhà trường; mức thu học phí học thêm là 6.000 đồng/tiết/học sinh. Tại cơ sở DT số 10 Nguyễn Nhạc có 9 lớp DT, học phí được thu theo sự thỏa thuận giữa cơ sở và phụ huynh; có 7 giáo viên được cấp phép DT tại cơ sở, mức chi thù lao theo thỏa thuận giữa người dạy và cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tuy, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo, cho biết: DTHT là nhu cầu thực tế nhằm hoàn thiện, bổ sung kiến thức cho người học trên tinh thần tự nguyện. Nhà trường cũng chỉ kiểm soát việc DTHT dựa trên kê khai của giáo viên chớ không có thẩm quyền kiểm tra điều kiện và chất lượng hoạt động.
Đã có nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT được ban hành nhằm chấn chỉnh hoạt động DTHT nhưng kết quả kiểm tra, xử lý lại không có trường hợp nào (?). Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, có 12 trường học được cấp phép với 170 giáo viên được DTHT; 23 giáo viên được hiệu trưởng các trường THCS ký xác nhận DTHT ngoài nhà trường. Theo ông Nguyễn Phương Nam, Trưởng phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, Phòng không cấp phép DTHT ngoài nhà trường cho bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào. Tuy nhiên, trong năm học 2017- 2018, phòng đã kiểm tra việc DTHT ở 11 đơn vị (gồm 5 trường THCS và 6 trường tiểu học) và đều không phát hiện vi phạm; đối với 5 đơn thư tố cáo về DTHT không đúng quy định, phòng đã chuyển 3 đơn cho hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc giải quyết. Còn báo cáo của Sở GD&ĐT cho thấy không có đơn thư khiếu nại, tố cáo nào về DTHT.
Ông Nguyễn Cảnh Huệ, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Con số thanh tra, kiểm tra DTHT, theo báo cáo sơ bộ của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn chưa phản ánh hết thực trạng DTHT vẫn còn tràn lan hiện nay. Các trường thì dựa vào kê khai DTHT tại nhà của giáo viên. Sở, Phòng thì chỉ kiểm tra tại trường học, cơ sở DTHT được cấp phép mà không thể kiểm tra việc DTHT tại nhà của giáo viên. Dư luận xã hội còn có nhiều phụ huynh, học sinh bức xúc phải cho con em đi học thêm vì sợ bị giáo viên phân biệt đối xử, gây khó dễ trên lớp... nhưng ngại tố cáo. Vấn đề chúng ta cần bàn là công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về DTHT không đúng quy định như thế nào?”.
Tình hình DTHT thực tế công tác quản lý chưa nghiêm, trách nhiệm chỉ có trên văn bản. Bà Nguyễn Thị Đàng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, cho biết: “Sau khi tiến hành giám sát, đoàn đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn ban chỉ đạo quản lý việc DTHT ở địa phương; phối hợp tổ chức kiểm tra, có biện pháp quản lý giáo viên và các đối tượng khác tổ chức DTHT không đúng theo quy định của Nhà nước tại địa phương. Quy định mức thu học phí học thêm trong nhà trường từ năm 2013 đến nay vẫn giữ nguyên là chưa phù hợp, do đó đề nghị UBND tỉnh xem xét tăng mức thu học phí học thêm cho phù hợp...”.
CÔNG HIẾU